Alexander Fleming là người tìm ra penicillin. Ngày 11/3/1955, hai năm sau khi kết hôn với Amalia Koitsouri-Vourekas, ông đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Chelsea, London (Anh) do nhồi máu cơ tim. Trước đó vài ngày, ông bị cảm cúm.
Năm 1929, kiệt sức từ những chuyến đi không ngừng nghỉ đến Nam Phi, Rhodesia, Kenya, Hà Lan và các nước Bắc Âu, cha đẻ của Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle bị nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ khuyên tiểu thuyết gia vĩ đại nghỉ ngơi nhưng ông không làm theo. Doyle đến phát biểu tại một buổi lễ tưởng niệm rồi liệt giường suốt 3 tuần, quá trình hồi phục diễn ra rất chậm. Ngày 7/7/1930, Doyle được phát hiện ôm chặt ngực trong vườn. Ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 71.
Các báo cáo cho thấy trước khi qua đời, sức khỏe của “ông hoàng nhạc Rock ‘n Roll” Elvis Presley vô cùng tồi tệ. Ông béo phì, nặng tới hơn 158 kg và từng bị tiểu đường, trầm cảm, mất ngủ, huyết áp cao. Tim Elvis lớn gấp đôi bình thường, cho thấy các vấn đề trầm trọng đối với một người đàn ông 42 tuổi. Phổi cũng xuất hiện dấu hiệu khí thủng phổi dù ông không bao giờ hút thuốc. Ruột nam ca sĩ dài gấp đôi bình thường và có phân kẹt lại suốt 4 tháng. Ngoài ra, Elvis dùng rất nhiều thuốc song không hề đụng đến ma túy và rượu.
Ngày 16/8/1977, “ông hoàng nhạc Rock ‘n Roll” được phát hiện trong bồn tắm, úp mặt vào bồn cầu. Khi nhân viên y tế đến nơi, Elvis đã tím tái, lạnh ngắt và không còn bất cứ tín hiệu sinh tồn nào. 3h16 chiều cùng ngày, các bác sĩ tuyên bố ngôi sao đã tử vong và kết luận nguyên nhân là nhồi máu cơ tim.
Tác giả cuốn sách “The Great Gatsby” nghiện thuốc lá, nghiện rượu và chủ yếu sinh hoạt về đêm. Lối sinh hoạt khiến F. Scott Fitzgerald kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Những năm cuối đời, dù đã bỏ rượu, Fitzgerald vẫn không thể phục hồi hoàn toàn. Tháng 11/1940, ông bị nhồi máu cơ tim khi đang mua thuốc lá ở một tiệm thuốc. Một tháng sau, ngày 21/12/1940, Fitzgerald lên cơn nhồi máu cơ tim lần thứ hai rồi qua đời khi mới 44 tuổi.
Hiram King “Hank” Williams hay Hank Williams là một trong những ca sĩ, nhạc sĩ nhạc đồng quê có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông sinh ra với dị tật nứt đốt sống khiến cơ thể lúc nào cũng đau nhức. Năm 1951, Hank bị ngã trong một chuyến đi săn, khiến phần lưng nhức nhối trở lại. Nam nghệ sĩ bắt đầu phụ thuộc vào các loại thuốc giảm đau và rượu để cảm thấy dễ chịu hơn.
Cuối năm 1952, Hank bắt đầu có vấn đề về tim. Ông tìm gặp Horace Raphol “Toby” Marshall, kẻ tự nhận là bác sĩ nổi tiếng. Dưới cái tên C. W. Lemon, ông ta kê cho Hank amphetamines, seconal, chloral hydrate và morphine. Tình trạng nghiện rượu của Hank ngày càng tệ.
Ngày 31/12/1952, Hank uống rượu chung với chloral hydrate. Một người đi cùng lo lắng đã gọi bác sĩ đến khám nhưng thầy thuốc này lại tiêm vào cơ thể Hank 2 mũi vitamin B12 có chứa morphine. Đêm 1/1/1953, tượng đài âm nhạc đồng quê Mỹ qua đời vì bị nhồi máu cơ tim ngay trên ôtô.
Nam diễn viên Tyrone Power nổi tiếng với các bộ phim như The Mark of Zorro, Blood and Sand, The Black Swan, từng là thần tượng của phái đẹp nhờ tài năng cùng bề ngoài đẹp trai. Ngày 15/11/1958, trên phim trường Solomon and Sheba, Tyrone lên cơn nhồi máu cơ tim. Theo các nhân chứng, nam diễn viên nói: “Tôi phải dừng lại. Tôi cảm thấy không khỏe” rồi đột ngột gục xuống. Không kịp thay trang phục, Tyrone được đưa tới bệnh viện ngay lập tức nhưng qua đời chỉ một giờ sau trên xe cứu thương. Điều đáng nói là cách đó vài tuần, ông đã đi kiểm tra tim. Cha Tyrone cũng tử vong do nhồi máu cơ tim.
2 tháng sau ngày mất của Tyrone, con trai ông chào đời. Đôi mắt nam nghệ sĩ được hiến tặng cho y học đúng như di nguyện.
Ngày 17/12/2012, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 69 tại thủ đô Bình Nhưỡng do nhồi máu cơ tim. Lúc đó, ông đang trên xe lửa đi công tác. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho hay có thể sự tức giận của ông Kim khi phát hiện vết rò rỉ trong một nhà máy thủy điện đã dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên chính quyền Triều Tiên khẳng định vị chủ tịch qua đời do mệt mỏi tích tụ gây ra sự căng thẳng về thể chất, tinh thần.