Buổi tư vấn trực tuyến tiêm văcxin an toàn, tránh tai biến cho trẻ diễn ra chiều nay trên VnExpress nhận được hàng trăm câu hỏi của độc giả. Những thắc mắc về lưu ý trước và sau khi đưa bé đi tiêm chủng đều được hai chuyên gia giải đáp tỉ mỉ.
Ngoài ra, đại diện Cục Y tế Dự phòng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương còn cung cấp thêm cho độc giả thông tin mới về tình hình dịch bệnh, các loại văcxin trẻ bắt buộc phải được tiêm… Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
– Xin chào bác sĩ, cho tôi xin hỏi nhà tôi có cháu 17 tháng tuổi, chích ngừa văcxin Quinvaxem đủ liều giờ đến thời gian chích ngừa muổi nhấc lại, nếu chích thuốc dịch vụ Pentaxim có được không, hay chích ngừa lại văcxin Quinvaxem? Nhờ bác sỉ tư vấn giúp. Xin chân thành cám ơn! Lương Kiều Sơn, 46 tuổi, 80/8 Trịnh Đình Thảo Phú trung Q Tân phú TP HCM
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Chào bạn, bạn có thể đưa bé đi tiêm Pentaxim (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hip, bại liệt) tại các cơ sở dịch vụ. Hoặc bạn cũng có thể đến trạm y tế xã, phường để được tiêm văcxin DPT thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) lúc cháu 18 – 24 tháng tuổi. Văcxin này có chứa 3 trong 5 thành phần của văcxin Quinvaxem gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván.
– Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì thưa chuyên gia? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng? Lương Thị Thanh Thuần, 31 tuổi
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng – Trưởng phòng quản lý văcxin và xét nghiệm, Cục Y tế Dự phòng:
Thân chào quý độc giả VnExpress,
Tiêm văcxin là ta đưa kháng nguyên vào cơ thể, do đó có thể gây ra những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Phản ứng thông thường sau tiêm chủng có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc của cha mẹ trẻ. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng như sốt cao trên 38,5 độ, phản ứng quá mẫn cấp tính, sốc phản vệ, khóc kéo dài, tím tái hay ngừng thở…
Như vậy, sau tiêm chủng trẻ cần được cán bộ y tế theo dõi ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, bố mẹ tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.
– Bác sĩ cho em hỏi bé nhà em 2khi ở Hà Nội, hầu như em cho bé đi tiêm đủ hết các mũi tiêm phòng nhưng đến khi vào Sài Gòn, em không cho bé đi tiêm. Vậy giờ ở độ tuổi này thì bé có thể đi tiêm những mũi gì và tiêm ở đâu? Rất mong được bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ nhiều! Nguyễn Thị Xuyến, 30 tuổi, 481a Nguyễn Thị Thập, quận 7
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh: Bạn nên mang sổ tiêm chủng của bé đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được bác sĩ khám và tư vấn. Còn nếu bạn đưa bé đến các cơ sở y tế xã, phường thì với độ tuổi của cháu, có thể được tiêm văcxin viêm não Nhật Bản (thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng – miễn phí) nếu trước đây cháu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi.
– Con tôi sau khi tiêm mũi lao lúc mới đẻ ra, cháu bình thường khỏe mạnh, có để lại sẹo trên tay do tiêm mũi lao. Nhưng đến khi cháu được 3 tháng thì bắt đầu thấy có hạch nổi lên ở nách. Hạch càng ngày càng to và cháu phải trích áp xe mới khỏi. Nhiều người bảo tôi là do phản ứng phụ mũi tiêm lao, người thì bảo là tiêm mũi lao sai quy cách. Tôi muốn hỏi 2 bác như vậy mũi lao có tác dụng nữa không và nguyên nhân bị hạch do đâu? Lưu Việt Tùng, 27 tuổi
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Chào bạn, Văcxin phòng lao (BCG) được tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trong vòng một tháng tuổi với liều đầu tiên 0,1ml. Sau tiêm, sẽ tạo sẹo BCG. Tuy nhiên, một số trường hợp không có sẹo, tùy thuộc cơ địa của từng trẻ, nhưng văcxin vẫn có tác dụng.
Trường hợp con bạn, mũi lao vẫn có tác dụng. Hạch to sau 3 tháng có thể do 2 nguyên nhân sau:
– Do cơ địa của trẻ hoặc do nhiễm lao.
– Do lượng vacxin BCG tiêm vào cơ thể quá nhiều gây hạch to.
– Cho em hỏi, bé trai nhà em được 5 tháng 10 ngày, nặng 8kg. Sau khi đã tiêm BCG, VGB, uống OPV (một lần), tiêm DPT-VGB-Hib (một lần). Đến nay, bé chưa tiêm thêm, do đến những ngày hẹn thì bé bị nóng, nổi ban. Vậy đến ngày 25, 26 thág tới này, em đưa cháu đi tiêm tiếp hay như thế nào? Còn bé gái 5 tuổi, vừa qua có giấy mời uốmg vitamin A nhưng bé đi học nên quên chưa uống. Vậy bé không uống, uống muộn có được không và ở đâu? Thái Văn Hải, 38 tuổi
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh: Đối với bé trai 5 tháng 10 ngày, cháu có thể được đưa đến các sở để tiêm vào ngày 25, 26 nếu cháu không bị ốm. Khi đi, bạn cần mang theo sổ tiêm chủng cá nhân của cháu để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.
Uống vitamin A là một hình thức cung cấp vi chất cần thiết phòng các bệnh về mắt cho cháu. Vì vậy, tốt nhất anh chị nên cho cháu đến phường để uống văcxin này. Nếu đã quá ngày được uống, anh chị có thể bổ sung vitamin A qua các hình thức khác như mua vitamin ở các hiệu thuốc hoặc bổ sung qua chế độ ăn uống như rau, quả…
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng – Trưởng phòng quản lý văcxin và xét nghiệm, Cục Y tế Dự phòng. Ảnh: Ngọc Thành. |
– Cho tôi hỏi mũi tiêm dịch vụ 5 trong 1 khác với mũi tiêm miễn phí ở trạm y tế xã thế nào? Trẻ có dấu hiệu mọc răng (không sốt, chỉ làm biếng bú mẹ) đi tiêm 5 trong 1 có ảnh hưởng gì không? Phạm Duy Hưng, 26 tuổi
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng: Chào bạn, văcxin 5in1 tiêm dịch vụ trên thị trường hiện nay có tên là Pentaxim do Pháp sản xuất, phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib. Trong đó, có thành phần ho gà vô bào.
Văcxin 5in1 tiêm miễn phí tại trạm y tế xã phường là Quinvaxem phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib. Trong đó, thành phần ho gà toàn tế bào.
Như vậy, nếu con bạn tiêm dịch vụ 5in1 thì cần phải tiêm thêm văcxin viêm gan B để đảm bảo đủ miễn dịch cho trẻ, làm tăng thêm một mũi tiêm nữa cho trẻ. Việc tăng thêm mũi tiêm có thể làm tăng nguy cơ tai biến sau tiêm chủng.
Bé nhà bạn có dấu hiệu mọc răng (không sốt, chỉ làm biếng bú mẹ) vẫn có thể tiêm 5in1. Tuy nhiên, bạn nên mang con đến cơ sở tiêm chủng để được khám và tư vấn trước khi tiêm.
– Chị cho em hỏi bé lớn nhà em 4 tuổi nhưng mới uống được 2 liều bại liệt, vậy có đủ kháng thể để chống lại bệnh không? Bây giờ cháu có uống tiếp được không và ở Viện vệ sinh dịch tễ có uống bại liệt dịch vụ không ạ? Em cảm ơn. Thu Hà, 31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh: Theo lịch uống văcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, trẻ cần uống tối thiểu 3 liều để phòng 3 tuýp virus bại liệt và chỉ uống dưới 1 tuổi (trong tiêm chủng thường xuyên). Như vậy, bé nhà bạn đã quá tuổi để uống văcxin bại liệt.
– Em muốn hỏi con em hiện tại được 2,5 tháng. cháu đã tiêm mũi lao, về nhà cháu không sốt, hơi sưng ở chỗ tiêm (không tạo mủ), 1 tuần sau thì hết và giờ thì có vết sẹo màu đỏ hồng. Nếu vậy, tiêm chủng có hiệu quả không? Ngoài ra cháu lúc sinh bị ngạt nên không tiêm mũi viêm gan B, vậy lúc nào cháu có thể tiêm viêm gan B. Mũi 5in1 có thay thế được không? Hiện cháu tiêm một mũi 5in1 rồi. Em xin chân thành cảm ơn! Trần Thị Mỹ Ngọc, 27 tuổi
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Bé nhà bạn đã 2,5 tháng và đã được tiêm văc xin phòng lao, sau tiêm, đã có sẹo tại chỗ tiêm, như vậy, cháu đã có đáp ứng tốt với văc xin này.
Nếu cháu tiêm văcxin 5in1 của dịch vụ thì không chứa thành phần viêm gan B. Như vậy, cháu cần tiêm văcxin viêm gan B đơn giá tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Còn nếu văc xin 5 in 1 mà bạn nhắc đến trong chương trình mở rộng thì đã chứa thành phần viêm gan B và bạn cần tiếp tục cho cháu tiêm đến khi đủ 3 mũi văcxin này theo đúng lịch.
Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh – chuyên viên Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành |
– Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng hay sau thời gian bao lâu có thể tắm cho trẻ? Tiêm phòng trẻ bị sốt có nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt không? Vũ Thị Hương Lý, 35 tuổi
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Chào bạn, trẻ sau khi tiêm chủng cần được theo dõi và chăm sóc tại nhà để phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt dị ứng, mề đay…. Không đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Trẻ có thể tắm bình thường nếu sức khỏe không gặp vấn đề bất thường nào.
Nếu trẻ bị sốt sau tiêm phòng, nên cặp nhiệt độ và theo dõi cơn sốt. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi, hoặc trẻ có tiền sử sốt cao giật, có thể dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ với liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tích cực lau mát với nước ấm hoặc nước thường. Sốt cao trên 38,5 độ C cần uống nhiều nước hoặc đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
– “Việc tiêm phòng có thể gây tử vong”, điều này là đúng hay sai ạ? Thủy, 35 tuổi, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Bản chất của việc tiêm văcxin là đưa một loại kháng nguyên lạ vào cơ thể với mục đích phòng bệnh. Như vậy, cũng giống như bất kỳ loại thuốc hoặc thức ăn nào khác, một số người sẽ bị dị ứng với những thành phần lạ này. Một trong những phản ứng nặng nhất có thể gặp (tuy nhiên với một tỷ lệ rất thấp) là sốc phản vệ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người được tiêm cũng có thể dẫn đến tử vong. Tại các bệnh viện ở Việt Nam, hằng năm cũng ghi nhận hàng nghìn ca dị ứng nặng hoặc sốc phản vệ liên quan đến thức ăn và dùng thuốc.
– Hiện nay có quá nhiều loại văcxin để cha mẹ có thể cho bé đi tiêm ngừa. Tuy nhiên để tiêm ngừa hết từng đó thì có vẻ trẻ sẽ mệt và cha mẹ cũng gặp không ít khó khăn về tài chính. Vậy xin bác sĩ tư vấn những loại văcxin nào thật sự cần thiết phải tiêm ngừa (ngoài những văcxin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng). Và những loại nào thì tùy điều kiện của mỗi gia đình mà mình quyết định?
Xin cảm ơn bác sĩ! Nguyễn Thị Thu Hương, 30 tuổi, KP5, P. Hiệp Thành, Q.12
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Hiện có gần 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng được bằng văcxin. Phần lớn là các bệnh thường gặp, biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Ngoài việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh nhiễm trùng, văcxin còn giúp trẻ tăng sức đề kháng, giảm số ngày ốm và nhập viện cũng như thời gian, công sức, chi phí chăm sóc y tế cho cha mẹ.
Văcxin tiêm chủng mở rộng được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) xếp thứ 4 trong 10 thành tựu y tế công lớn nhất thế kỷ 20. Nhờ có văcxin mà thế giới thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt. Hàng năm giảm 2,5 triệu trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib. Ngoài ra, còn nhiều loại văcxin mới phòng viêm màng não mô cầu, viêm phổi do phế cầu khuẩn, tiêu chảy do rota virus, cúm…
Trước hết, bạn cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tùy theo tài chính gia đình, mà bạn quyết định nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tình hình dịch bệnh tại địa phương và các loại văcxin cần ưu tiên tiêm chủng.
– Liệu có thể trì hoãn tiêm văcxin và trì hoãn được bao lâu? Sơn, 31 tuổi, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Bạn có thể trì hoãn việc tiêm văcxin cho con. Tuy nhiên, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh có thể được bảo vệ bằng văcxin trước khi trẻ được tiêm chủng. Do đó, bạn nên đưa con đi tiêm càng sớm càng tốt.
Ảnh: Ngọc Thành. |
– Nếu thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tốt cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ không mắc bệnh, vậy việc tiêm văcxin sẽ không cần thiết nữa đúng không? Thu, 33 tuổi, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tốt và chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều cần thiết để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để đảm bảo là không mắc bệnh, đặc biệt là những bệnh dễ lây như sởi, bạch hầu, quai bị, thủy đậu… Do đó, việc tiêm văcxin là rất cần thiết để bảo vệ bạn khỏi những bệnh truyền nghiễm.
– Trẻ từng mắc bệnh có nên đi tiêm phòng bệnh đó nữa không thưa hai chuyên gia? Hoàng Thị Hòa, 29 tuổi, Hà Tây
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Tùy thuộc vào từng loại bệnh, mà sau khi mắc có thể có miễn dịch suốt đời hoặc có thời hạn. Trường hợp miễn dịch suốt đời, trẻ sẽ không mắc lại bệnh đó và không cần tiêm chủng, ví dụ như bệnh sởi. Trường hợp miễn dịch có thời hạn, sau khi hết miễn dịch có thể mắc bệnh lại, do đó cần được tiêm chủng, ví dụ như cúm, thủy đậu, tiêu chảy do rotavirus…
– Các bệnh có thể phòng ngừa bằng văcxin hầu như đã được thanh toán ở nước ta, như vậy không có lý do gì mà cần tiêm văcxin nữa? Phương, 27 tuổi, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Ở nước ta, hiện chỉ có bệnh đậu mùa, bại liệt đã được thanh toán, bệnh uống ván sơ sinh đã được loại trừ trên quy mô huyện. Như vậy, hầu hết các bệnh truyền nhiễm vẫn còn nên chúng ta vẫn có nguy cơ mắc. Ngay cả những bệnh đã được thanh toán ở nước ta như bại liệt thì vẫn còn tồn tại ở một vài nước. Do đó, bệnh vẫn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Vì vậy, chúng ta cần uống văcxin phòng bại liệt để duy trì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao đối với bệnh này.
– Trẻ sinh non có nên đi tiêm phòng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia? Và lịch tiêm cho trẻ sinh non như thế nào là an toàn? Đào Thị Ngà, 28 tuổi, Hà Tây
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trẻ được tiếp cận với văcxin sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội sau này.
Trường hợp con bạn sinh non không thuộc diện chống chỉ định hoặc hoãn tiêm chủng như cân nặng nhỏ hơn 2kg, suy chức năng các cơ quan (tim, thận, hô hấp, tuần hoàn), mắc các bệnh cấp tính… thì vẫn được tiêm chủng bình thường theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Khi đi tiêm chủng, các bà mẹ cần thông báo các thông tin cụ thể về tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng của trẻ để giúp cán bộ y tế chỉ định đúng từng trường hợp.
– Việc tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh ở Việt Nam có phải là chủ trương của Bộ Y tế? Những quốc gia nào áp dụng lịch tiêm chủng này? Long, 29 tuổi, Vĩnh Phúc
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Đây là một trong những chủ tương của Bộ Y tế nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan tại Việt Nam. Hiện tại, thế giới có 96 nước đưa tiên văcxin viêm gan B liều sơ sinh vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Thưa bác sĩ, có được tiêm cùng lúc hai loại văcxin viêm não và viêm màng não mủ? Uyên, 31 tuổi, Hà Nội
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Theo chỉ định của nhà sản xuất, không có chống chỉ định khi tiêm hai loại văcxin này.
– Thưa bác sĩ, khi cho con đi tiêm, bố mẹ cần mang theo những gì? Trong quá trình tiêm, nên quan sát những gì? Nên hỏi bác sĩ những gì trước khi rời phòng tiêm? Lưu Việt Anh, 27 tuổi, Hải Phòng
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Trước tiên bạn cần quan tấm con bạn đang khỏe hay đang ốm, dang ở tháng thứ 7 và có thể sẽ được tiêm văcxin gì trong đợt này. Khi đưa con đi tiêm chủng, bố mẹ cần mang sổ và phiếu tiêm chủng của trẻ để cán bộ y tế ghi chép và theo dõi lịch tiêm của con mình. Bên cạnh đó cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình hình sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng… để có chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Trong quá trình tiêm chủng, các bà mẹ cần hỏi và xem kỹ loại văcxin trong lần tiêm chủng lần này của trẻ. Đối với cán bộ y tế cần thực hiện 5 đúng: đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng văcxin về loại và hạn dùng, đúng liều lượng, đúng đường sử dụng.
Trước khi rời phòng tiêm, các bà mẹ nên hỏi cán bộ y tế những phản ứng có thể xảy ra và cách hướng dẫn, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Cần thông báo kịp thời các phản ứng bất thường cho cán bộ y tế để phát hiện và xử trí kịp thời.
– Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc các bệnh viêm gan cao, theo chuyên gia thì việc tiêm phòng viêm gan B có nên đưa ra chính sách bắt buộc phải thực hiện không? Dương, 20 tuổi, Hải phòng
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành vào năm 2007 đã nêu rõ “trẻ em, phụ nữ có thai phai sử dụng văcxin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng”. Theo đó, việc tiêm viên gan B là bắt buộc cho tất cả mọi người.
– Trẻ quá 6 tháng tuổi có được uống Rota virut nữa không và uống thời điểm đó có còn hiệu quả với khả năng phòng bệnh của trẻ? Đào Như Trang, 27 tuổi, Thái Bình
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Văcxin Rota phải được hoàn thành trước 6 tháng tuổi. Do đó, nếu cháu đã quá 6 tháng tuổi thì không được uống nữa.
– Nên tiêm vắc xin vào buổi sáng hay chiều? Khi nào con không nên đi tiêm? Có khi nào con tiêm xong nhiều ngày sau mới sốt không? Nguyễn Ngọc Ánh Nhung, 26 tuổi, Thái Bình
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Bạn có thể đưa bé đi tiêm bất kể lúc nào trong ngày, không kể sáng hay chiều, tùy thuộc vào lịch tiêm chủng tại địa phương.
Các trường hợp chống chỉ định không tiêm gồm: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm văcxin lần trước; suy chức năng các cơ quan; suy giảm miễn dịch chống chỉ định tiêm chủng các văcxin sống; các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất văcxin.
Trường hợp tạm hoãn gồm: Trẻ mắc bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt trên 37,5 hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (đo nhiệt tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid trong 14 ngày; trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2kg…
Sau khi tiêm, thông thường sẽ sốt trong 24h nếu có phản ứng. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau 24h mới sốt. Do vậy, các bà mẹ cần theo dõi trẻ sát sao sau tiêm.
– WHO có khuyến cáo gì về việc tiêm phòng viêm gan B ở trẻ sơ sinh không? Nguyễn Thị Quyên, 37 tuổi, Bắc Ninh
– Thạc sĩ Trần Thị Lan Anh:
Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo “tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm văcxin viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Tỷ lệ tiêm viêm gan B sau 24 giờ sau sinh nên là một trong những chỉ số đánh giá cho các chương trình tiêm chủng mở rộng. Viêm gan B có thể phòng ngừa bằng văcxin an toàn và hiệu quả”.
– Hiện tại tôi mới có một em bé được một tuần tuổi. Tôi nên tiêm phòng những loại văcxin nào cho bé, tiêm vào thời điểm nào là thích hợp, nên đến cơ sở y tế nào để tiêm phòng là tốt nhất. Xin cám ơn rất nhiều. Phan Đình Long, 26 tuổi, Dĩ An – Bình Dương
– Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tùng:
Trẻ được tiếp cận với văcxin đầy đủ và đúng lịch, giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội sau này. Bạn nên đến cơ sở y tế tiêm chủng gần nhất để được tư vấn tốt nhất để tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trẻ sơ sinh cần được tiêm mũi phòng lao BCG trong vòng một tháng sau sinh.
Tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B và bại biệt lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi, nhắc lại vào lúc 3 và 4 tháng tuổi.
Tiêm văcxin phòng sởi lúc đủ 9 tháng tuổi.
Văcxin viêm não Nhật Bản tiêm mũi một lúc đủ 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi một từ 1-2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 một năm.
Tiêm văcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4 lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi. Tiêm phòng bệnh sởi – rubella lúc 18 tháng tuổi.
Ngoài các mũi văcxin miễn phí trong tiêm chủng mở rộng, bạn có thể đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm các văcxin khác theo chỉ định dịch tễ.
Mai Thương