Home » Khỏe và đẹp » Những người dễ bị viêm loét dạ dày, ung thư do vi khuẩn HP

Những người dễ bị viêm loét dạ dày, ung thư do vi khuẩn HP

Tiến sĩ Nguyễn Công Long, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, 70% dân số Việt Nam mang vi khuẩn HP. Vi khuẩn này là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Theo một nghiên cứu mới công bố, tại Hà Nội, trong 1.000 người thì có 700 trường hợp nhiễm khuẩn HP; ở TP HCM 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về con số này.

Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori, viết tắt trong các phiếu khám bệnh là H.Pylori hoặc khuẩn HP. Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease là chất phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính.

nhung-nguoi-de-bi-viem-loet-da-day-ung-thu-do-vi-khun-hp

Thực tế 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, và chỉ một phầntrong số này sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày – tá tràng, rất ít trường hợp chuyển sang ung thư dạ dày. Theo tiến sĩ Long, điều này là do mối tương tác giữa chủng HP bị nhiễm với đặc điểm di truyền và các thói quen ăn uống (đặc biệt là hút thuốc lá, ăn thức ăn mặn hoặc thức ăn được ngâm ướp bảo quản…) của người bị nhiễm. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

“Nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…, không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì không cần điều trị trừ HP bởi tốn kém, tác dụng phụ cao”, tiến sĩ Long nhấn mạnh.

Quá trình diệt trừ HP thường bằng phác đồ điều trị ba thuốc, trong đó có hai loại kháng sinh và một loại ức chế tiết acid nhóm PPI. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, có trường hợp cần phải điều trị nhiều lần bằng những phác đồ khác nhau.

Theo khuyến cáo của thế giới, một số trường hợp cần diệt vi khuẩn HP để tránh gây hại đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người:

– Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP (vì không diệt HP thì ổ loét dạ dày, hành tá tràng có thể tái phát).

– Chứng khó tiêu chức năng.

– Xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên căn.

– Ung thư dạ dày đã phẫu thuật.

– Thiếu máu, thiếu sắt.

– Ung thư dạ dày đã được cắt hớt hoặc hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi.

– Những trường hợp trong gia đình có người bị ung thư dạ dày: bố, mẹ, anh, chị em ruột.

– Khối u dạ dày: adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc.

– Viêm teo niêm mạc dạ dày.

– Người làm việc ở những môi trường có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày như khai thác than, quặng…

Để phát hiện vi khuẩn HP có rất nhiều phương pháp. Cách thường dùng trong lâm sàng là: Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.

Hai con đường lây nhiễm vi khuẩn HP là ăn uống và qua phân. Để phòng bệnh, nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Để giảm các triệu chứng gây ra do viêm loét dạ dày, nên ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói, không nên ăn đồ mặn, không thức khuya, giảm stress, năng tập thể dục, yoga, thiền để có tâm trạng thư thái, ngủ đủ giấc rất quan trọng giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi. Bên cạnh đó, tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ axit quá cao, tránh rượu bia… Nếu không tuân thủ các phương pháp trên thì rất có thể khi đã chữa khỏi vi khuẩn HP bạn vẫn bị tái phát. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Phương Trang