Lịch trình mỗi ngày của Luyanda Ngcobo chẳng bao giờ thay đổi. Sáng sáng cậu đến đằng sau tủ đựng cốc tìm lọ nevirapine. Sinh ra bởi người mẹ nhiễm HIV, chàng trai trẻ cũng bị mắc virus này và phải dùng thuốc đến hết đời. “Tôi không hề có cảm giác trách móc”, cậu chia sẻ. “Tôi hiểu rõ rằng nếu mẹ biết, bà đã không lây bệnh sang tôi”.
Khác với Ngcobo, nhiều thanh thiếu niên Nam Phi không muốn uống thuốc bởi tâm lý giận dữ. “Họ không hiểu vì sao mình mang bệnh và phải điều trị”, Ngcobo giải thích với CNN. Không chỉ vậy, dưới tác động của sự kỳ thị, giới trẻ Nam Phi cố tình giấu giếm bệnh tật, thậm chí không đồng ý xét nghiệm. Ngcobo không rõ ngôi làng cậu sinh sống có bao nhiêu người bị HIV, song chính phủ Nam Phi ước tính hơn 4 triệu dân đang sử dụng ARV. Đây được cho là tỷ lệ cao nhất thế giới, kéo đến gánh nặng về sức khỏe cộng đồng.
Luyanda Ngcobo tại nhà riêng. Ảnh: CNN. |
Các chuyên gia nhận định chưa thế hệ nào phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ HIV như thế hệ trẻ ngày nay. Cứ 2 phút, thế giới xuất hiện thêm một thiếu niên nhiễm virus. Thế nhưng, các biện pháp phòng ngừa và điều trị lại giẫm chân tại chỗ. Theo Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về Bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm, suy nghĩ thảm họa HIV/AIDS đã kết thúc “hoàn toàn không có cơ sở”. Ông chỉ ra tỷ lệ nhiễm bệnh tại Mỹ vẫn ở mức đáng lo ngại suốt 15 năm qua, bất chấp hàng loạt nỗ lực. Ở Nam Phi, tình hình còn tồi tệ hơn bởi số thanh thiếu niên mắc HIV nhiều hơn hẳn số được chữa trị.
“Thật khủng khiếp bởi bất cứ ai cũng có thể chết vì AIDS”, Linda-Gail Bekker, điều hành Trung tâm Nghiên cứu Emavundleni thuộc Quỹ Desmond Tutu HIV cho biết. “Hàng ngày, tôi đều chứng kiến con người chết dần chết mòn”.
Trước tình thế này, mọi chú ý đổ dồn vào văcxin. “Muốn kiểm soát HIV, chúng ta phải kiểm soát lượng bệnh nhân trước và không có cách nào tốt hơn, bền vững hơn việc sản xuất văcxin”, Lekker nhấn mạnh.
Từ sau lần thử nghiệm thành công năm 2009 tại Thái Lan, loại thuốc HVTN 702 mở ra hy vọng mới về phòng ngừa HIV. Sắp tới đây, nó bước vào giai đoạn kiểm nghiệm trên quy mô lớn do Trung tâm Nghiên cứu Emavundleni tiến hành. Giới y học kỳ vọng lần này, hiệu quả của HVTN 702 sẽ đạt 50-60%.
“Văcxin sẽ ngăn chặn những trường hợp trẻ sinh ra với virus HIV và mang tới thế giới này căn bệnh không thể cứu chữa như tôi”, Ngcobo chia sẻ. Tháng trước, hơn 5.000 tình nguyện viên âm tính với HIV tại Nam Phi đã ghi danh tham gia thử thuốc, một con số chưa từng thấy trước đây. “Chúng tôi đã đi được nửa quãng đường”, Bekker nói. “Đây không phải lúc bỏ cuộc. Chúng ta sẽ viết nên chương cuối của HIV”.
Linda-Gail Bekker thảo luận với một bệnh nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Emavundleni. Ảnh: CNN. |
Trong một trung tâm mua sắm, Noro Tshongoyi kêu gọi cộng đồng ghi danh thử thuốc. Tất nhiên, điều này chẳng dễ dàng gì bởi đám đông quá bận rộn mua sắm. Thế nhưng, cô gái trẻ không nản lòng bởi tin rằng cuộc thử nghiệm này sẽ tạo nên bước ngoặt và những ai tham gia sẽ trở thành “anh hùng”.
Sau nỗ lực kêu gọi, Tshongoyi tiếp cận 2 cô gái trẻ và nhanh chóng nhận được cái gật đầu trước khi kịp trình bày chi tiết. “Vấn đề là họ không được thương lượng về mặt tình dục”, Tshongoyi giải thích. “Phụ nữ muốn bảo vệ bản thân nhưng không thể làm được chỉ với một chiếc bao cao su. Nếu bạn trai không muốn dùng bao cao su, họ phải chịu”.
Đầu giờ chiều cùng ngày, Trung tâm Nghiên cứu Emavundleni chật kín những phụ nữ trẻ tuổi đang tuyệt vọng tìm cách kiểm soát bệnh tật.
Ngồi tại phòng xét nghiệm, Azola Dayeni đọc về dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Cô gái mơ ước trở thành y tá đã không tin tưởng người yêu của mình. Dayeni mong rằng PrEP bảo đảm an toàn cho bản thân song tham gia thử thuốc vì tin rằng “văcxin mới là phương pháp bảo vệ toàn diện”.
Azola Dayeni ngồi đọc về PrEP. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, Titila Mputa hiểu rõ rằng dù phương pháp điều trị có tiến bộ đến mức nào, tác động của HIV đến các gia đình là không thể đảo ngược. “Ngày hôm đó, lúc tôi rời nhà để tới trường, mẹ vẫn còn khỏe”, Mputa nhớ lại câu chuyện bản thân. “ Đến khi tôi quay về, mẹ đã không còn ở đó. Họ nói với tôi bà đã vào viện vì đột quỵ”.
4 cơn đột quỵ biến chứng từ HIV khiến mẹ Mputa liệt giường. Với quyết tâm không để bất cứ người thân nào phải chịu đựng như vậy, cô gái trẻ âm tính với virus tự nguyện tham gia thử thuốc HVTN 702. Dù quá trễ để cứu giúp gia đình và thế hệ của mình, Mputa vẫn vô cùng hào hứng. “Bạn có thể trở thành anh hùng nếu muốn. Bạn có thể làm điều này để cứu hàng nghìn người ngoài kia. Bạn có thể làm điều này để mở ra một thế hệ không HIV”, thiếu nữ tâm sự.
Minh Nguyên