Theo bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đai học Y Dược TP HCM, vệ sinh giấc ngủ còn gọi là thu xếp giấc ngủ, bao gồm những việc nên và không nên làm trước khi ngủ.
Những việc không nên làm trước khi ngủ: Không nên ngủ sau khi kết thúc một công việc trí óc hoặc chân tay căng thẳng. Bạn cần phải loại bỏ hết những nặng nề trong các ngăn não, tạo cho mình trạng thái thoải mái. Không dùng các chất kích thích như rượu. bia, trà, cà phê… và tránh những khoảng chợp mắt trước khi ngủ.
Những việc nên làm trước khi ngủ: Tốt nhất bạn nên làm việc nhẹ nhàng, dạo chơi, hoặc đọc một vài trang sách. Biết cách thu xếp khoảng không gian ngủ yên tĩnh. Đặt giường ở nơi thoáng mát, có nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Tập phản xạ ngủ có điều kiện. Ví dụ như tới 22h nên tắt đèn đi ngủ để tạo thói quen cho cơ thể tiết ra nội tiết tố gây cảm giác buồn ngủ. Từ đó, bạn sẽ có giấc ngủ đủ dài và liên tục vào một thời gian nhất định. Ngoài ra, bạn nên ăn tim sen, những thực phẩm có màu xanh như cải xanh, bông cải, táo xanh…
Để có giấc ngủ ngon thì bạn nên đặt giường ở nơi thoáng mát có nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Ảnh: SN |
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, vệ sinh giấc ngủ có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phục hồi thần kinh, nhận thức và khả năng làm việc của cơ thể. Không vệ sinh giấc ngủ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Hiện nay, nhiều người làm việc căng thẳng, áp lực từ công việc và xã hội đều mang vào trong giấc ngủ để suy nghĩ. Từ đó, những vấn đề tích tụ trong các ngăn não tạo thành thói quen xấu. Nhiều người còn cắt xén thời gian ngủ để làm những việc khác được cho là quan trọng hơn. Lâu dần, người luôn trong tình trạng mệt mỏi, đêm về trằn trọc không ngủ được.
Khi mất ngủ, hệ thần kinh không phản ứng với các kích thích có thể gây thoái hóa các tế bào thần kinh. Nếu thiếu ngủ thường xuyên hoặc mang những lo toan, áp lực công việc vào giấc ngủ, cơ thể sẽ bị suy nhược, giảm khả năng làm việc và sức đề kháng.
Rối loạn giấc ngủ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em mới sinh, người trưởng thành và nhiều nhất là người già. Ở người già thường là mất ngủ sinh lý, còn người trẻ thường là mất ngủ xuất phát từ nguyên nhân như lo âu, trầm cảm…
“Biểu hiện ban đầu thường là mất tập trung, những cơn đau đầu chập chờn, sau đó là thay đổi tính cách, mệt mỏi. Nặng hơn, người bệnh dễ rơi vào trầm cảm, tâm thần, thậm chí không kiểm soát được hành động của mình. Có người đã quá hoảng loạn, dẫn đến việc tự tìm cái chết để giải thoát”, bác sĩ Mẫn khuyến cáo.