9h sáng tại khoa Điều trị Liệt vận động trẻ em, bệnh viện Châm cứu trung ương, tiếng khóc thét phát ra từ hai chị em ruột Tường Vy (5 tuổi) và Cẩm Tú (4 tháng tuổi) khi đến giờ châm cứu. Nước mắt thương con cháu lăn dài trên má chị Ngoạn và bà ngoại. Cả hai bé được bác sĩ chẩn đoán bị bại não.
Bà ngoại chăm sóc cho bé Tường Vy khi châm cứu. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Hai cháu là con anh Nguyễn Mạnh Tưởng và chị Trần Thị Ngoạn ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Anh chị sinh được ba cháu, cháu lớn lên 5 tuổi bị mất do đuối nước. Một thời gian sau chị sinh bé Tường Vy. Em được chẩn đoán bị bại não cách đây 3 năm. Đưa con đi chữa trị được 13 đợt, không có kinh phí để tiếp tục, gia đình đành phải đưa Tường Vy về nhà.
Chị Ngoạn tiếp tục mang thai bé Cẩm Tú. Chị cho biết đã đi khám sàng lọc ở bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều lần, kết quả bình thường. Tuy nhiên, khi sinh ra, Cẩm Tú có biểu hiện bất thường về vận động tay chân và cổ, mắt không nhìn thấy gì.
“Đi khám bác sĩ kết luận bị bại não”, người mẹ kể. “Tôi kiệt quệ”.
Chị Trần Thị Ngoạn chia sẻ:
Nhìn bé Cẩm Tú đi chữa trị mà bé Tường Vy nằm ở nhà chẳng biết gì, gia đình không đành lòng, đành phải mang cả hai chị em đi. Bố các cháu thường xuyên phải nghỉ việc để vào viện, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà.
“Giờ chỉ mong các cháu đi lại bình thường, tự phục vụ bản thân, chứ chị không mong gì hơn nữa”, mẹ hai bệnh nhân chia sẻ.
Bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động, ngôn ngữ trẻ em của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng bại não.
Thứ nhất, bố hoặc mẹ bị bệnh lý mãn tính từ trước như bệnh tim mạch, tiểu đường,… phải dùng những loại thuốc độc hại cho cơ thể, gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Thứ hai, do môi trường sống bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu vì lý do này phải có yếu tố tập thể, chứ không riêng một gia đình. Theo bác sĩ, trường hợp bại não của hai bé nhà chị Ngoạn, nguyên nhân có thể do bố và mẹ mang những gene lặn, khi gặp nhau xuất hiện gene bệnh ở người con.
Biểu hiện của bại não ở trẻ là yếu chức năng vận động, các giác quan không cảm nhận được. Đứa trẻ nhiều tháng tuổi nhưng cổ và lưng không cất lên được, tay chân cứng đơ, co quắp, không cất được giọng nói ê, a. Cùng với đó, trí tuệ mất hoàn toàn, không biết phân biệt lạ, quen, không biết nhìn theo mặc dù mở mắt. Thậm chí tiếng khóc cũng rất yếu ớt.
Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhân bại não cần một liệu trình điều trị rất lâu dài, kiên trì, mỗi đợt điều trị phải mất cả tháng. Các kỹ thuật dùng chữa trị gồm điện châm, thủy châm, co bóp, bấm huyệt, tập luyện, vận động, phối hợp với các phương pháp phục hồi chức năng của y học hiện đại như dùng tia nhiệt và các xung điện để nâng cao sức cơ, cải thiện suy giảm chức năng vận động. Tiên lượng khó, phụ thuộc nhiều vào thể trạng của từng bệnh nhi.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo các bậc cha mẹ tương lai cần biết cách phòng tránh bệnh cho trẻ bằng việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, nhằm loại bỏ nguy cơ con sinh ra bại não và cả các bệnh khác như vàng da hay dị tật. Trước khi sinh, cha mẹ cần chuẩn bị về sức khỏe, vật chất, tinh thần, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho trẻ.
Thúy Quỳnh