Tình trạng chị Liễu ngưng tim kéo dài liên tục suốt 5 ngày tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Quanh người bệnh nhân ngổn ngang các loại dây nhợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Gia đình gần như buông tay, các bác sĩ “còn nước còn tát”. Đến ngày thứ 6, hy vọng bắt đầu lóe lên khi tim chị Liễu bắt đầu đập trở lại, điều quan trọng nhất là não vẫn còn. Đến ngày thứ 20 bệnh nhân hết suy đa tạng, rút nội khí quản; ngày thứ 25 đã có thể tự đi lại được, các tạng bị suy dần hồi phục
Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, nói rằng lần đầu tiên họ chứng kiến một bệnh nhân tim ngừng đập trong thời gian dài như vậy vẫn có thể cứu sống được. Sau hơn một tháng được cấp cứu, bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn, xuất viện chiều 22/6.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá quá trình cứu sống chị Liễu là “một kỳ tích của y học Việt Nam, lần đầu tiên sau mấy chục năm hành nghề chúng tôi mới được chứng kiến”.
Chị Liễu 34 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng thoi thóp, sốc nặng, hôn mê sâu, suy 5 tạng, nhịp tim rối loạn, tim đập rời rạc, rất yếu. Trước đó, chị Liễu bị loét dạ dày, được bác sĩ chỉ định dùng hỗn hợp thuốc. Sau khi uống một liều thuốc, chị bị ngứa, khó chịu nên không uống thuốc nữa, một ngày thì hết. Sáng 13/5, chị tiếp tục uống thuốc thì có biểu hiện dị ứng như đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu… Vào Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ. Các bác sĩ xử trí với thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng bệnh nặng lên, bệnh nhân rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng, hai lần ngừng tuần hoàn, nguy cơ cao tử vong, diễn tiến rất nhanh.
Chị Liễu trong ngày xuất viện. Các bác sĩ đánh giá việc cứu sống được bệnh nhân đã ngưng tim suốt 5 ngày là kỳ tích của ngành y Việt Nam. Ảnh: N.Phương. |
Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương đã cầu viện giáo sư Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và chuyển người bệnh lên tuyến trên. Một đội cấp cứu từ Bạch Mai được huy động lên đường, tiếp cận bệnh nhân trên đường gần TP Việt Trì, hội chẩn trên xe cứu thương và hộ tống người bệnh về Bệnh viện Bạch Mai.
Trong lúc đó, tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, nhóm bác sĩ thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) sẵn sàng chờ đón bệnh nhân. Khi ấy các bác sĩ đã xác định bệnh nhân không thể sống được nếu chỉ dùng thuốc mà không thực hiện tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên, ngay sau khi có hỗ trợ của máy, nhịp tim của bệnh nhân vẫn giảm dần sau đó thì ngừng đập. Điện tâm đồ là đường thẳng và siêu âm tim thấy tim gần như không có hoạt động co bóp. Tình trạng này kéo dài liên tục 5 ngày cho đến ngày tim đập trở lại và bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu phục hồi.
Mẹ của chị Liễu vui vẻ nói trong ngày con gái xuất viện: “Khi Liễu được xe cấp cứu chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã nghĩ con chắc chết. Gia đình không ngờ có được niềm vui ngày hôm nay, con tôi đã có thể sống, trở về gia đình”.