Home » Khỏe và đẹp » Nửa đêm xếp hàng chờ xạ trị ung thư ở Hà Nội

Nửa đêm xếp hàng chờ xạ trị ung thư ở Hà Nội

Người trên ghế, người ngồi bệt dưới đất, tất cả đều hướng ánh nhìn về phòng kỹ thuật viên. Mỗi lần cánh cửa mở, nhân viên y tế đọc tên bệnh nhân được vào buồng để xạ trị. Những người còn lại tiếp tục ngồi chờ đợi đến lượt của mình. 

Mỗi lần xạ trị thông thường chỉ khoảng 3-4 phút, có lúc chỉ vài giây; nhưng vì bệnh viện quá tải bệnh nhân, thiếu máy xạ trị nên bệnh nhân đều được hẹn giờ đến chạy tia. Trung bình một giờ kỹ thuật viên hẹn cho khoảng 10 bệnh nhân. Tuy nhiên, khi vào ca đêm, đa phần bệnh nhân đều đến viện từ rất sớm. Có bệnh nhân được hẹn xạ trị lúc 24h hoặc 1h sáng nhưng thực tế họ đến viện chờ từ 21h.

Trên khuôn mặt mỗi người bệnh không giấu nổi sự mệt mỏi vì phải chờ đợi, thức đêm, vì bệnh tật. Thế nhưng không một ai kêu ca phàn nàn, vì “được xạ trị là tốt lắm rồi”.

nua-dem-xep-hang-cho-xa-tri-ung-thu-o-ha-noi

Thiếu máy xạ trị, Bệnh viện K phải sắp xếp người bệnh điều trị theo lịch ở tất cả giờ trong ngày, cả ban đêm. Ảnh: N.P.

“Nói chung bệnh nhân ai cũng muốn được xạ trị vào ban ngày, nhưng còn tùy theo lịch của khoa nên đành chấp nhận. Máy móc đôi khi trục trặc, miễn sao được xạ trị còn giờ nào thì cũng phải chấp nhận”, một bệnh nhân ung thư chia sẻ. Bệnh nhân này kết thúc xạ trị lúc 1h, trong khi lịch xạ ngày hôm sau bắt đầu từ 0h. 

Ông Dư Văn Năm, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2, chia sẻ: “Tôi vừa truyền hóa chất vừa phải xạ trị, nên lịch xạ trị tùy thuộc vào thời gian truyền hóa chất. Vì thế, việc xạ trị vào đêm không phải là chuyện lạ”. Theo ông Dư, xạ trị về đêm, bệnh nhân khổ, nhân viên y tế cũng khổ không kém vì cũng phải thức đêm hôm để làm việc. 

nua-dem-xep-hang-cho-xa-tri-ung-thu-o-ha-noi-1

Mỗi kíp trực của kỹ thuật viên chạy xạ thường 7-8 giờ, kể cả ban đêm. Ảnh: N.P.

Tình trạng quá tải khu vực xạ trị nên bệnh nhân phải chạy tia vào đêm hôm ở Bệnh viện K Trung ương, Hà Nội, đã tồn tại từ lâu. Bệnh viện K mở thêm cơ sở mới nhưng vẫn không đủ đáp ứng với số lượng người bệnh ngày càng tăng. Năm 2015, bệnh viện tiếp nhận gần 11.800 bệnh nhân, năm 2016 hơn 12.000, đến tháng 11/2017 đã hơn 15.000 người bệnh. Cả ba cơ sở của bệnh viện có 6 máy xạ trị đều phải sử dụng liên tục 22 trên 24 giờ. Bệnh viện phải sắp xếp nhân viên y tế và bản thân người bệnh điều trị theo lịch ở tất cả các giờ trong ngày, cả ban đêm

“Việc làm đêm hôm với chúng tôi là chuyện cơm bữa, hầu như không có ngày nghỉ. Máy xạ hầu như chạy hết công suất. Chúng tôi chỉ mong máy không trục trặc gì”, kỹ thuật viên khoa xạ trị Đỗ Đắc Doanh nói.

Hoạt động từ năm 2013, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được thiết kế 6 buồng máy xạ trị nhưng hiện chỉ có ba máy. Bệnh viện chia theo ba ca chạy xạ: 3h-10h, 10h-17h và 17h-24h; chu kỳ luân chuyển giữa các khoa, kỹ thuật viên ba tháng một lần. Mỗi ca làm việc trong bảy giờ, thực hiện chạy xạ cho khoảng 70-80 đến 100 bệnh nhân. Trên thực tế thông thường ca chạy tia buổi tối kéo dài đến tận 2h ngày hôm sau.

Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, một máy xạ chỉ nên hoạt động trong 4 giờ phục vụ không quá 40 bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế ở Bệnh viện K, một máy xạ trị cho 150 thậm chí 200 bệnh nhân. Hầu như các máy đều chạy tối đa công suất; trong 24 giờ chỉ có 1-2 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để bảo dưỡng.

“Tình trạng quá tải ở khu xạ trị và phải làm việc đêm là do thiếu máy”, phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết.

Theo ông Thuấn, chất lượng điều trị vẫn phải đảm bảo đúng theo quy định, tuy nhiên việc xạ trị vào đêm hôm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây phiền hà; đồng thời cũng ảnh hưởng đến tâm tư, sức khỏe của cán bộ y tế.

Ông Thuấn cho biết sắp tới viện K không còn tình trạng bệnh nhân phải chạy tia về đêm nữa. Hiện Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương cho phép bệnh viện mua thêm máy từ nguồn xã hội hóa.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đến tháng 3/2018 có thêm khoảng 3-4 máy xạ trị nữa để phục vụ người bệnh”, phó giáo sư Thuấn nói.

Nam Phương – Hà Lê