Từ lâu, loài chuột đã mang tiếng xấu. Chúng bẩn thỉu, chuyên lục lọi rác và mang đầy mầm bệnh. Đặc biệt, chúng bị coi là thủ phạm khiến dịch hạch hoành hành khắp châu Âu hồi thế kỷ 14-18, gây ra “cái chết đen” kinh hoàng. Gần đây, nghiên cứu mới trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences do Đại học Olso (Na Uy) và Đại học Ferrara (Italy) tiến hành đã minh oan cho loài vật này và khẳng định dịch hạch bùng phát do chính các loại bọ ký sinh trên cơ thể người.
“Cái chết đen” từng giết chết một phần ba dân số châu Âu. Tranh: Luigi Sabatelli. |
Theo IFL, để đưa ra kết luận trên, nhóm tác giả đã dựng lại ba mô hình của nạn dịch hạch ở châu Âu, mỗi mô hình với một véc tơ truyền bệnh khác nhau bao gồm chuột, không khí và ký sinh trùng ở người. Kết quả cho thấy mô hình thứ ba phù hợp hơn cả với diễn biến ngoài thực tế. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định nếu chuột là thủ phạm lây truyền thì dịch hạch không thể lây lan nhanh chóng đến mức giết chết 25 triệu người.
Đặc biệt, kết luận của Đại học Olso và Đại học Ferrara tương đồng với mô tả dịch hạch của nhà thơ Italy Giovanni Boccaccio. Thi sĩ này từng viết: “Chỉ cần chạm tay vào quần áo cũng có thể lây bệnh”.
Dù ban đầu nhằm mục đích tìm hiểu lịch sử, công trình trên vẫn có ý nghĩa quan trọng bởi tới nay dịch hạch chưa hề biến mất. Năm 2017, dịch hạch bùng phát ở Madagascar khiến ít nhất 202 người tử vong. “Hiểu càng nhiều về căn bệnh càng giúp giảm tỷ lệ tử vong trong tương lai”, giáo sư sinh học Nils Stenseth từ Đại học Olso thuộc nhóm nghiên cứu nói với BBC.
Từ nghiên cứu trên, có thể rút ra bài học giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đồng thời hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân là chìa khóa ngăn dịch bùng phát. Về loài chuột, tất nhiên chúng không hoàn toàn vô hại. Ngay cả khi không phát tán dịch hạch, chúng vẫn mang mầm bệnh này cùng hàng loạt nguy cơ khác.