Home » Khỏe và đẹp » Phòng bệnh hô hấp khi trời lạnh

Phòng bệnh hô hấp khi trời lạnh

Các bác sĩ cảnh báo mùa đông là thời điểm thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp. Do vậy mọi người cần tăng cường ý thức phòng các bệnh như:

Viêm xoang

Đây là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Nhất là khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…

Tuy không phải là bệnh nguy hiểm cấp tính nhưng viêm xoang rất khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bị viêm xoang cần hạn chế ăn đồ lạnh, luôn chú ý giữ ấm cho cơ thể, khi ra ngoài phải mang khẩu trang.

Related image

Ảnh minh họa: Womenhealth.

Viêm họng cấp tính

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Tác nhân gây bệnh thường thấy là vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do virus. Nếu không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim.

Trẻ em rất dễ mắc bệnh này. Do vậy cha mẹ nên quan tâm đúng mức sức khỏe của trẻ, cần thiết phải cho trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, trẻ li bì, ho nặng tiếng.

Viêm khí phế quản, biến chứng viêm phổi

Khí quản là ống dẫn lớn nhất trong hệ thống hô hấp. Viêm khí phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường bùng phát khi thay đổi thời tiết hoặc ở những bệnh nhân bị viêm họng, viêm mũi mà không chữa trị hiệu quả kịp thời.

Triệu chứng của bệnh đôi khi chỉ là sổ mũi trong, ho nhẹ. Tình trạng này kéo dài mà không điều trị đúng có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm. Đặc biệt đối với trẻ em khi có triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, nằm li bì cần đưa đi khám bác sĩ ngay.

Cúm

Bệnh cúm thường bộc phát khi có 3 yếu tố thuận lợi: Mầm bệnh, số lượng mầm bệnh và sức đề kháng của cơ thể. Trong đó, mầm bệnh là các virus cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày. Đặc tính virus là sinh sôi nảy nở nhanh nên có số lượng ồ ạt tấn công cơ thể, nhất là những người có hệ miễn dịch yếu.

Triệu chứng thường thấy của cúm là sốt nhẹ, có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mỗi người mà thời gian bệnh kéo dài hay rút ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn. Thậm chí, một số bệnh cúm diễn tiến nhanh và ồ ạt có thể khiến tử vong.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần:

Mặc quần áo phù hợp

Hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, lúc nóng lúc lạnh nên cần ăn mặc hợp để giữ ấm và đảm bảo cơ thể được thông thoáng. Nếu phải ra ngoài vào sáng sớm nên mặc áo ấm, quần dài. Nếu trời nắng nóng nên mặc đồ chất liệu cotton dễ chịu, dễ thấm mồ hôi. Khi ngủ nên mặc kín, tránh để hở cổ và hở bụng vì sẽ dễ bị nhiễm lạnh vào ban đêm.

Rửa tay thật kỹ trước khi ăn

Đây là một việc làm rất đơn giản nhưng mọi người thường “quên”. Đặc biệt với trẻ em, cha mẹ hãy nhớ nhắc các bé rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn trước khi ăn để rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn.

Ăn chín uống sôi

Đồ ăn cần được chế biến kỹ nhưng không nên nấu đi nấu lại quá nhiều. Tốt nhất nên nấu vừa đủ khẩu phần ăn mỗi lần, không dùng đồ ăn nấu lại là cách bảo vệ hệ tiêu hóa tốt nhất.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài

Không khí khô mang theo nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Việc đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài sẽ giúp ngăn cảm bụi bẩn và vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh

Hạn chế các loại đồ ăn ngọt, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các món chiên xào… Thay vào đó nên tăng cường những món chế biến bằng phương thức luộc, hấp hoặc nướng, hầm… Ưu tiên thực phẩm nhiều vitamin và protein, thực phẩm tươi như trứng, cá, thịt, sữa, rau củ quả các loại. Bên cạnh đó cần đảm bảo uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít trong ngày để có sức đề kháng tốt.

Thi Trân