*Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia với kỳ vọng giúp quản lý giá dược phẩm tại Việt Nam. Hiện nay tiền thuốc chiếm 50-60% tổng chi phí khám điều trị của người bệnh và là gánh nặng của phần lớn gia đình bệnh nhân. Do đó mục tiêu của Bộ Y tế cũng như chỉ đạo của Chính phủ là kéo giảm giá thuốc đấu thầu khoảng 10-15%.
Theo Bộ Y tế, trong nhiều năm qua việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung tại sở y tế, giao quyền cho các cơ sở y tế trực tiếp đấu thầu. Các hoạt chất chia theo nhiều nhóm kỹ thuật, nước sản xuất… nên giá chênh lệch rất nhiều giữa vùng miền cũng như bệnh viện. Việc dự trữ thuốc cho phù hợp thực tế gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Quản lý Dược. |
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế quy hoạch lại công tác đấu thầu thuốc tập trung thành 3 cấp: Quốc gia, tỉnh và cơ sở y tế. Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia sẽ tổ chức đấu thầu, đưa ra giá tham chiếu tối đa và tối thiểu. Thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá là loại có 1-2 nhà sản xuất. Cấp sở y tế, bệnh viện, tổ chức đấu thầu theo danh mục thuốc riêng.
Hiện Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia đã mở gói thầu đầu tiên tập trung vào năm hoạt chất điều trị ung thư với 22 loại thuốc gồm năm biệt được và 17 thuốc generic. Sau giai đoạn đánh giá kỹ thuật, trung tâm tiếp tục xem xét về giá thầu. Dự kiến kết quả trúng thầu này sẽ được Bộ Y tế sớm công bố.
Tuy nhiên vụ án Công ty VN Pharma làm hồ sơ nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita được xét xử hồi tháng 8 khiến nhiều người dùng lo lắng về chất lượng dược phẩm cũng như giá cả trên thị trường. Thuốc H-Capita đã thắng thầu trong lần đầu tiên đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế TP HCM vào năm 2014 với giá chỉ 31.000 đồng một viên trong khi giá kế hoạch đến 66.000 đồng.
Rất nhiều người đặt câu hỏi hình thức đấu thầu tập trung với tiêu chí thắng thầu dựa trên giá thấp nhất, liệu có thực sự mua được thuốc chất lượng tốt. Thực tế, hình thức đấu thầu tập trung tại TP HCM giai đoạn 2014-2015 với việc lựa chọn thuốc giá rẻ hơn khiến thuốc kém chất lượng như của VN Pharma lại thắng thầu.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại đấu thầu tập trung có thể làm xảy ra tình trạng thiếu thuốc do đơn vị thắng thầu phải cung cấp một số lượng lớn dược phẩm cho thị trường. Hai năm đấu thầu tập trung tại Sở Y tế TP HCM là một ví dụ, có những lúc bệnh viện thiếu thuốc phải đi “vay tạm” bệnh viện khác. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh vì không phải lúc nào bệnh viện cũng mượn được.
Những thắc mắc về giá dược phẩm, thuốc tốt, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, cơ hội giảm giá thuốc từ hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia… sẽ được ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Quản lý Dược và ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia giải đáp trên VnExpress lúc 9h30 ngày 20/9.
Nam Phương