Người phụ nữ 57 tuổi đeo hậu môn nhân tạo bên vùng bụng phải từ năm 1990 đến nay. Đầu năm 2017, bà thường đau quặn bụng, chướng bụng, phân ra hậu môn nhân tạo khó khăn, có khi không đi đại tiện được. Những tháng gần đây tình trạng chuyển nặng, bà thường xuyên sốt cao, nhiễm trùng da nơi hậu môn nhân tạo, nhiều viện từ chối chữa trị.
Đầu tháng 12, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 (TP HCM) đưa bệnh nhân về viện thăm khám và quyết định phẫu thuật đóng lại hậu môn nhân tạo. Các bác sĩ phải tiến hành nội soi hậu môn thật và chụp X-quang kiểm tra chiều dài đoạn ruột từ hậu môn thật đi lên ruột già. Kết quả cho thấy đoạn ruột già bị teo hẹp hoàn toàn vì đã lâu không sử dụng.
Bệnh nhân hồi phục sau mổ. Ảnh: T.P |
Tiến sĩ Hoàng Đình Tuy, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện quận 2 cho biết trước khi lên bàn mổ, bệnh nhân được thụt tháo hậu môn mỗi ngày, dùng nước làm căng giãn ruột. Phần ruột non của bệnh nhân bị dính vào nhau, gần như toàn bộ ruột già đã bị cắt.
“Phần ruột già còn lại chỉ dài 18 cm vùi sâu vào vùng chậu. Kíp mổ phải bóc tách ruột non, kéo dài và nong lớn ruột già sau đó mới nối ruột non vào mỏm cụt ruột già còn lại”, bác sĩ Tuy chia sẻ.
Ca mổ kéo dài 3 giờ đã giúp bệnh nhân có thể sử dụng hậu môn thật như mong ước, bỏ được hậu môn tạm gắn bên người suốt 27 năm qua.