Đây là phương pháp điều trị ung thư gan mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hôm 30/11. Phương pháp này được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận chuyển giao kỹ thuật từ đồng nghiệp Nhật Bản.
Hai bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật mới là cụ ông 69 tuổi và người phụ nữ 40 tuổi, đều bị ung thư gan giai đoạn cuối. Hai bệnh nhân đã được điều trị nhiều lần, song khối u vẫn khu trú trong gan nên không thể cắt bỏ. Diện tích khối u chiếm hầu hết gan.
Bác sĩ Nguyễn Đình Luân, Tổ trưởng X-quang Can thiệp, khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, phương pháp truyền hóa trị liệu trực tiếp qua động mạch gan chỉ áp dụng cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Bệnh nhân ung thu gan giai đoạn cuối thường điều trị bằng thuốc với chi phí khá cao. Tối thiểu mỗi ngày bệnh nhân phải dùng 3-4 viên thuốc đặc trị, mỗi viên trị giá một triệu đồng. Tổng cộng một tháng bệnh nhân ít nhất phải tốn 60 triệu đồng cho loại thuốc này. Nhiều người vì gánh nặng chi phí đã bỏ điều trị.
Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư gan theo phương pháp mới. Ảnh: Cao Khẩm. |
Theo bác sĩ Luân, Nhật là quốc gia tiên phong về kỹ thuật truyền hóa trị liệu trực tiếp qua động mạch gan, tiếp đến là Hàn Quốc. Tuy nhiên hiện một số dụng cụ y tế để điều trị theo phương pháp này của Nhật chưa bán ra thị trường thế giới. Gần đây bác sĩ Masanori Inoue Nhật đã chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Gia Định và tặng ba bộ dụng cụ là ống thông để truyền thuốc vào gan.
Quá trình điều trị, bác sĩ cho ống thông tiếp cận từ động mạch đùi bệnh nhân, truyền thuốc trực tiếp với hàm lượng rất cao vào bên trong khối u gan để diệt tế bào ung thư, ngăn u phát triển. Với phương pháp này, thuốc chỉ đi vào gan mà không truyền qua bất kỳ bộ phận cơ thể nào khác nên ngăn được ảnh hưởng của thuốc đến những tế bào lành khác.
Bác sĩ Luân cho biết, một số bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này tại Nhật đã đáp ứng thuốc tốt, u teo nhỏ lại. Nếu tình trạng cải thiện tốt, bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ vẫn điều trị được để kéo dài cuộc sống.
Theo bác sĩ Masanori Inoue, tại Nhật phương pháp điều trị này chưa thấy gây biến chứng nguy hiểm nào cho bệnh nhân. Song trên thế giới đã có báo cáo thường gặp biến chứng như đột quỵ, tắc mạch. Hiện cũng chưa tính được chi phí điều trị theo kỹ thuật này, bởi một số dụng cụ hoàn toàn mới.
“Bệnh nhân trước khi áp dụng phương pháp điều trị này phải được hội chẩn từ nhiều chuyên khoa. Hy vọng Việt Nam sẽ áp dụng phương pháp điều trị này rộng rãi trong năm 2018″, bác sĩ Luân nói.