Home » Khỏe và đẹp » Quý bà râu đỏ bí ẩn với y học

Quý bà râu đỏ bí ẩn với y học

Theo Human Marvels, Grace Gilbert sinh ngày 2/2/1876 tại Ohio (Mỹ), là em út trong một gia đình 4 người con. Ngay lúc chào đời, bố mẹ đã nhận thấy Gilbert thật khác lạ bởi cơ thể bé phủ đầy lông mao. Cùng với thời gian, lông trên người Gilbert ngày càng nhiều và cứng hơn. 18 tháng tuổi, tóc em đã dài hơn 30 cm, khuôn mặt xuất hiện bốn sợi râu dài 10 cm. Bé được báo chí thời bấy giờ miêu tả là “sinh vật sống gây tò mò nhất từ trước đến nay”.

Lớn lên, Gilbert nhận ra mọi cơ hội nghề nghiệp hay kết hôn đều vô cùng hạn chế đối với một người đặc biệt như mình. Năm 18 tuổi, cô gái trẻ quyết định dấn thân vào ngành giải trí và gia nhập gánh xiếc Ringling Brothers nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ. Với bộ râu đỏ dài hơn 45 cm, Gilbert lập tức nổi tiếng, trở thành người phụ nữ râu dài nhất thế giới. 

Năm 1903, Gilbert rời Ringling Brothers để đến với gánh xiếc Barnum & Bailey. Hai năm sau, nghệ sĩ mang biệt danh “quý bà râu đỏ” tiếp tục chuyển chỗ làm rồi đi lưu diễn ở Anh và Pháp. Khác với những show diễn khác, Gilbert không phô trương sức mạnh hay kỹ năng mà chỉ ngồi đó trước mặt khán giả. 

quy-ba-rau-do-bi-n-voi-y-hoc

Chân dung Grace Gilbert. Ảnh: Human Marvels.

Tính cách khôn ngoan, Gilbert cư xử như một quý bà thực thụ và ưa thích những thú vui tao nhã của nữ giới, điển hình là thêu thùa. Tuy nhiên, bà vẫn làm dấy lên những câu hỏi về giới tính vì mang vóc dáng to lớn, chắc nịch cùng thể chất đáng nể. Gilbert sẵn sàng hỗ trợ các công việc tay chân của rạp xiếc bao gồm cả dựng lều.

Năm 1910, Gilbert kết hôn cùng người bạn thuở nhỏ Giles Calvin. Trong đám cưới, cha xứ không thể phân biệt cô dâu, chú rể khiến tin đồn về giới tính của “quý bà râu đỏ” càng lan truyền rộng rãi. Thêm vào đó, nhiều người nghi ngờ đám cưới của cặp đôi chỉ là chiêu trò quảng cáo bởi Calvin có quan hệ họ hàng với Gilbert. Để chứng minh tình yêu, “quý bà râu đỏ” rời bỏ sân khấu và về cày ruộng ở quê chồng. So với thu nhập mà ngành giải trí đem lại, công việc nhà nông quá đỗi cực nhọc. Năm 1916, Gilbert quay về gánh xiếc.

Tháng 1/1924, trở về nhà sau chuyến lưu diễn, Gilbert đột ngột lâm bệnh. Chồng đi vắng, bà phải nhờ cậy sự chăm sóc của hàng xóm. Người phụ nữ than phiền bị đau họng rồi tình trạng nhanh chóng chuyển nặng. Vài giờ sau, “quý bà râu đỏ” qua đời ở tuổi 48.

Đến nay, giới khoa học chưa thể xác định chắc chắn Gilbert mắc phải căn bệnh nào. Một số chuyên gia nhận định bà bị hypertrichosis bẩm sinh hay còn gọi là hội chứng người sói khiến lông tóc trên cơ thể phát triển bất thường. Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1648, y văn thế giới chỉ ghi nhận thêm khoảng 300 trường hợp hypertrichosis. Hiện vẫn chưa có cách điều trị hội chứng người sói.

Minh Nguyên