Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết đoàn cán bộ y tế của thành phố đã đến Australia để học tập kinh nghiệm triển khai hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo mô hình Paramedic. Hiện thế giới có hai mô hình vận chuyển cấp cứu là SAMU và Paramedic. Mô hình SAMU triển khai ở Pháp và một vài nước châu Âu, xe cấp cứu được trang bị như một “bệnh viện di động” đầy đủ phương tiện, có cả phòng mổ, có bác sĩ đi cùng, cứu chữa bệnh nhân trước khi đưa về bệnh viện.
Xe đạp sử dụng trong tình huống giao thông phức tạp mà xe cứu thương không tiếp cận được, trang bị đồ dùng không thể thiếu trong cấp cứu như thuốc, oxy, máy đo huyết áp, máy sốc điện… Ảnh: SYT. |
Australia là một trong những quốc gia hoàn thiện nhất về cấp cứu Paramedic, với hơn 40 năm phát triển. Việt Nam chọn học theo mô hình nước này vì có nhiều điều kiện phù hợp về vốn đầu tư, đường sá, nhân lực…. Điều cơ bản nhất để vận hành là phải có nhân viên Paramedic, tạm dịch “chuyên viên cấp cứu ngoại viện”. Những người này không phải là bác sĩ, y sĩ hay điều dưỡng.
“Các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo theo hình thức nội viện, trong khi môi trường ngoài bệnh viện đòi hỏi quy trình xử trí, trang thiết bị phải khác”, Phó giáo sư Thượng chia sẻ. TP HCM đang xây dựng đề án để xin được làm thí điểm mô hình này. Hiện Việt Nam chưa có mã đào tạo, muốn triển khai phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Dự kiến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ phối hợp với một số trường đại học của Australia để xây dựng chương trình, đào tạo lực lượng hạt nhân ban đầu.
Dụng cụ chuyên dùng giúp nhân viên Paramedic kéo bệnh nhân trên băng ca nhẹ nhàng hơn. Ảnh: SYT. |
Theo ông Thượng, điều Australia làm rất tốt và phù hợp với Việt Nam là các phương tiện cấp cứu bằng xe đạp, xe máy, thậm chí ca nô cứu thương. Các phương tiện này được trang bị các vật dụng sơ cứu cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh du lịch đường sông tại TP HCM bắt đầu phát triển, mô hình cứu thương sông nước sẽ được nghiên cứu triển khai, song hành với các giải pháp phát triển du lịch y tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế.
Mục tiêu hàng đầu của TP HCM là sớm xây dựng trung tâm cấp cứu với hệ thống điều hành thông minh, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Nhân viên vừa tiếp nhận cuộc gọi vừa vận hành màn hình vi tính để sàng lọc thông tin cần thiết theo các câu hỏi và lời khuyên cho người gọi. Thông tin đồng thời được mã hóa và chuyển sang bộ phận điều hành để vận hành các xe cứu thương nhanh chóng đến hiện trường. Bên cạnh đó thành phố đang thiết kế đồng phục để hướng đến sự tiện dụng, phù hợp khi thao tác cấp cứu.
Xe cứu thương “Emergency Ambulance” cấp cứu người bệnh ở ngoài và vận chuyển về bệnh viện để điều trị tiếp tại Australia. Ảnh: SYT. |
Tại Australia, các bệnh viện không sở hữu riêng xe cứu thương, tất cả đều thuộc quyền kiểm soát và vận hành của trung tâm cấp cứu, có sự phân biệt hai loại hình là xe để vận chuyển người bệnh và xe cấp cứu người bệnh. Xe cứu thương “Ambulance” chỉ để vận chuyển người bệnh mà không có can thiệp điều trị cấp cứu tại hiện trường và không cần tiếp tục hồi sức trên đường. Xe không được trang bị hệ thống đèn ưu tiên, không còi hú, nhân viên đi theo không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện.
Xe “Emergency Ambulance” dùng để đến hiện trường ở ngoài bệnh viện, sơ cấp cứu và sau đó vận chuyển người bệnh về bệnh viện để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe. Loại xe này được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, nhân viên đi theo xe phải là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy. Ở Việt Nam hiện chưa có sự phân biệt, ngoài xe của bệnh viện thì có các dịch vụ cứu thương tư nhân, ít nhiều gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, công tác cấp cứu.