Trước đó con bọ đậu lên tay bé trai 8 tháng tuổi. Bé há miệng định ăn, người mẹ chưa kịp đuổi thì con vật đã bay thẳng vào miệng bé. Khi người mẹ cố móc họng con để lấy ra, con bọ đã bay vào sâu trong thanh quản, lọt xuống khí quản gây khó thở. Bé ho sặc sụa, khó thở, tím tái, người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cần Thơ và được đặt nội khí quản rồi chuyển lên TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết con vật sống bay vào đường thở thường cựa quậy, cắn, gây nên tình trạng phù nề cho bệnh nhi. Nội soi đường thở cho thấy lòng khí quản bé rất xấu. Khi bé nhập viện thì con bọ đã nằm trong khí quản khoảng 8 giờ. Con vật chết đã tiết ra dịch khiến lòng khí quản rất bẩn.
Bé trai hiện hồi phục tốt. Ảnh: T.P |
Nội soi lần đầu cho bệnh nhi, các bác sĩ chỉ gắp được một nửa phần thân con vật, còn phần đầu và nửa thân còn lại của nó bị rơi xuống phía dưới cuống khí quản. Lúc bé bớt suy hô hấp, thở được, qua cơn nguy kịch, các bác sĩ mới nội soi gắp tiếp phần còn lại của con bọ, kết hợp điều trị kháng viêm, kháng sinh. Hiện bé đã ăn ngủ được, dần hồi phục, niêm mạc đã hết phù nề, phổi tốt.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết trường hợp côn trùng bay vào đường thở, bé thường la khóc, cửa thanh môn mở ra, con vật theo bản năng sẽ bay thẳng vào trong. Khí quản phản ứng bằng cách co thắt lại, do đó em bé sẽ có những cơn tím tái nghẹt thở. Khi côn trùng đi vào phế quản gây tình trạng suy hô hấp nặng.
“30 năm trong nghề tôi gặp nhiều dị vật nhưng đây là lần đầu tiên có loại côn trùng lớn như thế này bay vào đường thở em bé”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Hướng dẫn sơ cứu hóc dị vật đường thở
Khi có dị vật rơi vào đường thở em bé, người lớn phải sơ cứu bằng cách vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ để tống dị vật ra ngoài. Không nên móc họng trẻ vì có thể dị vật bị đẩy sâu vô trong hoặc làm tổn thương đường thở của trẻ. Nếu lọt xuống phổi, bé có thể thở được nhưng vẫn ho, tím tái, sặc sụa. Có trường hợp dị vật để lâu 3-6 tháng mới được gắp ra, gây áp xe phổi.
Lê Phương