Bé gái nặng 5,2 kg đã chào đời an toàn. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thành phố Long Xuyên (An Giang) cho biết ngay từ khi tiếp nhận trường hợp này, êkip trực đã xác định thai nhi quá to nên quá trình đỡ sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Đến khi thai phụ chuyển dạ, các bác sĩ phát hiện em bé có dấu hiệu kẹt vai nên lập tức áp dụng thủ thuật MC Roberts để hỗ trợ sổ vai bé. Sau khoảng 20 phút sản phụ đã hạ sinh thành công một bé gái nặng 5,2 kg bằng phương pháp tự nhiên.
Theo lãnh đạo bệnh viện, đây là ca sinh thường em bé có cân nặng ”khủng” nhất từ trước đến nay tại đây. Năm 2008 đã có một trường hợp sinh thường nặng 5 kg. Cả 2 ca này đều là con rạ, mẹ có tiền sử sinh con to. Riêng chị Ngoan trước đây từng sinh đứa con thứ hai nặng 4,2 kg, con đầu 3,1 kg.
Nghiên cứu cho thấy 3 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường như trên gồm tiền sử gia đình, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc chế độ ăn quá nhiều dinh dưỡng. Đối với trường hợp mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thai thường to trên 4 kg hoặc kém phát triển, bị dị tật bẩm sinh, thai vô sọ, nứt đốt sống, teo não, nang thận, 2 niệu đạo, bệnh tim bẩm sinh. Mẹ dễ bị đa ối, sảy thai hoặc thai chết lưu. Đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị suy hô hấp cấp, hạ đường huyết và một số rối loạn khác như hạ canxi…
Bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên chủ động khám thai định kỳ. Nếu thấy thai vượt quá 3,5 kg, bác sĩ cần tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người mẹ. Việc theo dõi trọng lượng thai nhi và khám đánh giá khung chậu khi thai trên 37 tuần là rất cần thiết để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh nở ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
Thi Trân