Home » Khỏe và đẹp » Siết công bố thực phẩm hỗ trợ sức khỏe để tránh loạn ‘thần dược’

Siết công bố thực phẩm hỗ trợ sức khỏe để tránh loạn ‘thần dược’

Chiều 19/9, Bộ Y tế họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm. Trong đó nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều là có nên bỏ quy định công bố chất lượng sản phẩm (tiền kiểm).

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, đại diện ban soạn thảo đề xuất, với nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn gồm dụng cụ, vật liệu bao gói thì doanh nghiệp tự công bố và nộp đến Sở Y tế. Trong bảy ngày tiếp nhận, nếu cơ quan quản lý không ý kiến thì doanh nghiệp được quyền sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Nhóm thực phẩm đặc biệt cần kiểm soát chặt gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và thực phẩm được nhà sản xuất quảng bá là có tác dụng với sức khỏe. Nhóm này vẫn phải công bố chất lượng với cơ quan chức năng.

siet-cong-bo-thuc-phm-ho-tro-suc-khoe-de-tranh-loan-than-duoc

Kiểm tra nhanh chỉ tiêu hàn the trong giò, chả. Ảnh: N.P. 

Theo bà Nga, thực phẩm loại thông thường nhưng nhà sản xuất công bố có tác dụng với sức khỏe thì vẫn thuộc nhóm phải kiểm soát đặc biệt. Ví dụ quả kiwi thông thường không cần kiểm soát, nếu nhà sản xuất công bố quả này chứa nhiều vitamin C có tác dụng với sức khỏe thì phải có tài liệu chứng minh hiệu quả và thuộc diện kiểm soát. “Tham khảo quy định thế giới thì thực phẩm dạng này cần phải có sự quản lý”, bà Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trước đây chủ yếu Cục An toàn thực phẩm là đơn vị cấp công bố, thì nay phân cấp cho Sở Y tế quản lý nhóm thực phẩm thường.

Cục trưởng An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cũng chia sẻ: “Chúng tôi tiếp thu và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Nhưng có những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân thì cần quản lý chặt chẽ”. 

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này của Cục, vì nếu để doanh nghiệp tự công bố mà không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước thì sản phẩm nào cũng thành “thần dược”. Tuy nhiên, cần minh bạch việc cấp công bố chất lượng sản phẩm, không “hành” doanh nghiệp, rút ngắn thời gian chờ đợi, đơn giản thủ tục.

“Không phải sản phẩm nào cũng cần công bố, nếu để đơn vị chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm thì rất rủi ro cho dân”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói. Ông đề nghị sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe như sữa đặc biệt cho trẻ, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm cần kiểm soát đặc biệt.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam kiến nghị không nên để doanh nghiệp tự lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm, tự công bố mà phải do phòng kiểm nghiệm lấy mẫu trực tiếp. Doanh nghiệp nếu muốn làm ăn bậy có thể lợi dụng mua mẫu khác nộp Bộ Y tế trong khi sản xuất hàng loạt sản phẩm khác.

Thứ trưởng Cường cũng thừa nhận “có doanh nghiệp nghiêm túc, nhưng không ít doanh nghiệp không nghiêm túc”..

Hiện nay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, Viêt Nam thực hiện cả hình thức tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan nhà nước kiểm tra giấy tờ, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố đã phù hợp chưa…, tức tiền kiểm. Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng.

Nam Phương