Home » Khỏe và đẹp » Siêu trăng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào

Siêu trăng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào

Mặt trăng xuất hiện rất nhiều trong những câu chuyện dân gian, truyền thuyết và huyền thoại khắp thế giới. Hôm nay 14/11, siêu trăng lớn nhất kể từ năm 1948 sẽ xuất hiện. Một lần nữa, con người tự hỏi liệu hiện tượng này có gây nguy hại cho sức khỏe và đời sống.

Theo Live Science, từ lâu nay giới khoa học đã cố gắng chứng minh mối liên hệ giữa siêu trăng và trạng thái sinh học, hành vi của con người. Vào năm 1985, trên tờ Psychological Bulletin, các nhà nghiên cứu chỉ ra siêu trăng liên quan đến bệnh tâm thần và tự tử. Năm 2004, tờ Epilepsy & Behavior kết luận trăng tròn hoặc siêu trăng kích thích cơn động kinh. Năm 2005 Bệnh viện Mayo (Mỹ) khẳng định trên tờ Psychiatric Services rằng không có sự khác biệt giữa số ca nhập viện do bệnh tâm thần vào đêm không trăng và đêm có trăng. Tháng 10/2009, tờ Anesthesiology chứng minh tỷ lệ phạm sai lầm của bác sĩ và y tá vào ngày xảy ra siêu trăng không khác gì ngày thường. 

sieu-trang-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-nhu-the-nao

Những tác động lên sức khỏe con người của siêu trăng chưa hề được chứng minh. Ảnh: How it works.

Ngoài các vấn đề tâm thần, siêu trăng bị cho là liên quan đến chứng mất ngủ. Trên tờ Journal of Affective Disorders năm 1999, các nhóm khoa học nhận định trước lúc đèn điện ra đời, trăng là nguồn chiếu sáng quan trọng vì thế ảnh hưởng đến giấc ngủ. Họ tin trăng tròn dẫn đến mất ngủ cùng những biến động ở bệnh nhân mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc động kinh. Năm 2013, một nghiên cứu nhỏ trên 33 tình nguyện viên trưởng thành phát hiện con người ngủ ít hơn trong đêm trăng tròn dù không hề hay biết về chu kỳ trăng. 

Năm 2014, các lập luận trên bị phản bác khi Viện Tâm thần học Max-Plank (Đức) tuyên bố không tìm ra bất cứ mối tương quan mang ý nghĩa nào giữa chu kỳ trăng và giấc ngủ. Gần đây nhất, nghiên cứu tháng 3/2016 trên 5.800 trẻ em tuổi từ 9 đến 11 từ 12 quốc gia cho thấy rằng vào đêm trăng tròn, các bé ngủ ít hơn 5 phút. Độ sáng của trăng có thể là một lý do nhưng với các loại ánh sáng nhân tạo ngày nay, nguyên nhân này không đủ thuyết phục.

Một số nghiên cứu khác quy kết siêu trăng tạo ra những “cơn bão” sinh nở, tác động đến kinh nguyệt, gây đau tim và kích thích bạo lực song không đáng tin cậy. Các tính toán cũng khẳng định hiện tượng thủy triều không ảnh hưởng đến sức khỏe con người dù cơ thể chúng ta 75% là nước, bởi lực tác động quá bé. Như vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm thưởng thức siêu trăng mà không còn bất cứ lo ngại nào.

Minh Nhật