Hiệu quả điều trị sốt rét tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động do ký sinh trùng kháng thuốc lan tới miền nam từ phía tây Campuchia. Theo AP, nhận định này được nhóm nhà khoa học thuộc Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford Thái Lan (MORU) đưa ra trong bài viết trên tờ Lancet Infectious Diseases.
“Sự lây lan của siêu ký sinh trùng ở tiểu vùng sông Mekong có thể làm tăng số ca sốt rét cũng như gây nguy hại nghiêm trọng đến nỗ lực kiểm soát và loại bỏ căn bệnh”, bà Arjen Dondorp đứng đầu MORU kiêm đồng tác giả bài viết nói.
Muỗi anopheles truyền sốt rét. Ảnh: CDC. |
Đầu năm nay, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương xác nhận ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin xuất hiện ở năm tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước và cảnh báo nguy cơ lây lan toàn quốc. Trước đó, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng xuất hiện tại Thái Lan, Myanmar, Lào.
Nhận định ký sinh trùng kháng thuốc là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe , đồng nghiệp của bà Dondorp là ông Nicholas White kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng đưa ra biện pháp can thiệp.
Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, đặc biệt dễ gây tử vong ở trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2015 có 429.000 người chết vì sốt rét, chủ yếu tập trung ở châu Phi. Hiện hầu hết biện pháp phòng chống sốt rét chỉ nhắm vào muỗi. Cách đây hai năm, văcxin sốt rét ra đời nhưng chỉ tác dụng trên một phần ba trẻ em và chưa được WHO khuyến nghị sử dụng.
Năm 2016, Việt Nam có 4.000 ca sốt rét, giảm 52% so với năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030.