Home » Khỏe và đẹp » Tai nạn chạy thận ‘đáng sợ’ trong lịch sử y học Mỹ

Tai nạn chạy thận ‘đáng sợ’ trong lịch sử y học Mỹ

Một ngày năm 1994, theo lịch hẹn, Sue Ellen Coffin đến Trung tâm Thận Albuquerque ở New Mexico (Mỹ) để chạy thận nhân tạo. Lọc máu được 2 giờ, người phụ nữ bắt đầu la hét, kéo tóc và nôn mửa. Cùng lúc, 5 bệnh nhân khác đang chạy thận cũng bất ngờ đau đớn dữ dội. Các y tá khẩn trương tắt mọi thiết bị nhưng chỉ cứu được 5 người. 6 tiếng đồng hồ sau, Coffin qua đời.

Tai nạn khi ấy được xem như “đáng sợ” trong lịch sử y học nước Mỹ bởi xứ sở cờ hoa vốn được ca tụng là sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe “đáng ghen tỵ”. Các nhà điều tra nhận định tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người vì một nhân viên kỹ thuật đã bấm nhầm nút khiến máy lọc bơm chất tẩy rửa không phù hợp vào máu bệnh nhân, phá hủy tế bào. Thế nhưng, hàng loạt chuyên gia phản bác, cho rằng trách nhiệm thuộc về Trung tâm Thận Albuquerque cũng như đơn vị quản lý là Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia. Cơ sở này đã sử dụng máy móc quá cũ kỹ cho nhiều bệnh nhân cùng lúc và hệ thống thiết bị không hề phát tín hiệu cảnh báo quá trình lọc gặp trục trặc.

“Thật ngạc nhiên khi thấy những thiết bị như vậy vẫn được sử dụng”, tiến sĩ A. Peter Lundin, chuyên gia về thận tại New York nói. “Điều này vô cùng nguy hiểm và tai nạn trên đã chứng minh”.

tai-nan-chay-than-dang-so-trong-lich-su-y-hoc-my

Ảnh: thehealthsite.

Để tìm lời giải đáp thích hợp cho sự cố ở Trung tâm Thận Albuquerque, phóng viên The New York Times điều tra quy trình chạy thận bằng cách phỏng vấn bác sĩ, cán bộ quản lý, quan chức chính phủ đồng thời rà soát hồ sơ y tế, ghi chép. Kết quả, họ nhận ra các cơ sở chạy thận nhân tạo mà phần lớn thuộc quyền điều hành của Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia vì lợi nhuận sẵn sàng dùng thiết bị lỗi thời, bất chấp sức khỏe bệnh nhân và dùng tiền lôi kéo đội ngũ bác sĩ tham gia.

Dù đại diện tập đoàn ra sức phủ nhận, suốt một thập kỷ, Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia bị cáo buộc có những sai phạm gồm:

– Chuyển nhiệm vụ của y bác sĩ sang những nhân viên kỹ thuật và nhân viên y tế không được đào tạo chính quy, thiếu giám sát.

– Sử dụng thiết bị lỗi thời (trên 20 năm tuổi), kém bảo quản.

– Sản xuất thiết bị không đạt tiêu chuẩn.

– Thời gian chạy thận quá ngắn.

– Tái sử dụng những thiết bị chỉ nên dùng một lần.

– Chuyển ngân sách dành cho chăm sóc bệnh nhân sang bác sĩ hoặc các dịch vụ kinh doanh khác.

Trong số sai phạm trên, nghiêm trọng nhất là việc tái sử dụng những thiết bị chỉ nên dùng một lần. Hành vi này bị cấm tuyệt đối tại Nhật nhưng vẫn diễn ra ở Mỹ dù không ít sự cố đã xảy ra. Theo hồ sơ ghi lại, một lần bác sĩ của Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia đã phải dừng chạy thận cho bệnh nhân khi thấy con ruồi bám vào máy sau quá trình làm sạch. Năm 1982, tại cơ sở Baton Rouge cũng thuộc hệ thống Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia, thiết bị lọc tái sử dụng khiến 15 người chết và 12 người đổ bệnh nặng vì nhiễm khuẩn.

Đáng lưu ý, những sai phạm kia không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân chạy thận ở khắp mọi nơi bởi các đối thủ sẵn sàng áp dụng phương pháp của Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia để cạnh tranh. Trên thực tế, Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ thống kê tỷ lệ bệnh nhân chạy thận tử vong ở nước này là 23%, cao hơn gấp đôi so với Tây Âu hoặc Nhật Bản. Kể cả khi loại trừ tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của bệnh tật cùng các yếu tố khác, khoảng chênh lệch vẫn còn quá lớn.

Nhìn từ góc độ khác, một số ý kiến tin rằng Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia cũng như mọi đối thủ cạnh tranh không đáng phải hứng chịu toàn bộ trách nhiệm mà đây là hệ quả của nền kinh tế đang suy đồi. Về cơ bản, ngân sách chính phủ bị cắt giảm đã buộc các cơ sở y tế tìm phương án giảm thiểu chi phí chạy thận nếu muốn duy trì lợi nhuận. 

Cuối cùng, dù tranh cãi đến đâu, phần lớn bệnh nhân thời bấy giờ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tới các cơ sở của Tập đoàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia. “Họ hành xử theo lối nếu bạn không thích thì đi chỗ khác”, Perry Ecksel, chủ tịch Hiệp hội Bệnh nhân Thận Mỹ bày tỏ. “Nhưng thường thì chẳng có chỗ nào khác cho bệnh nhân”. 

Minh Nguyên