Ảnh minh họa: News. |
Theo Health Sina, với trọng lượng và thể hình tương tự, một số người cảm thấy béo, một số cho rằng bình thường. Một nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện sự khác biệt về nhận thức này có thể liên quan đến gene và hiệu ứng sợ béo thường thấy rõ hơn ở phụ nữ.
Nhà nghiên cứu Boulder của Đại học Colorado, Mỹ, dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên tạp chí Khoa học Xã hội và Y học của Anh. Các nhà khoa học khảo sát trên 20.000 người Mỹ từ năm 1994 đến năm 2008, trong đó có hàng trăm cặp sinh đôi. Nhóm trích xuất dữ liệu bao gồm chỉ số khối cơ thể ở các thời kỳ khác nhau cũng như nhận thức của họ về trọng lượng cơ thể gồm 5 mức: Quá nhẹ, hơi nhẹ, vừa, hơi nặng, quá nặng.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành số hóa ảnh hưởng của gene đối với nhận thức, trong giới hạn từ 0 đến 1. Trong đó, 0 là biểu thị không ảnh hưởng, 1 là biểu thị hoàn toàn do gene quyết định. Kết quả cho thấy chỉ số ảnh hưởng trên tổng thể vào khoảng 0,47, chứng tỏ “nhân tố di truyền thực sự ảnh hưởng đến sự nhận thức béo phì”. Hơn nữa ảnh hưởng này biểu hiện rõ ở nữ giới.
Nhà tâm lý Liu Fang nhìn nhận từ xưa đến nay người ta luôn cho rằng thực phẩm là nguồn gốc của béo phì, song thực tế béo phì đa phần do yếu tố tâm lý gây ra, còn thói quen ham ăn thì do ảnh hưởng của môi trường. Nguyên nhân ăn quá nhiều của những người béo phì hoàn toàn không phải do nhu cầu sinh lý lấp đầy bao tử mà là “no bụng đói con mắt”.
Nguyên nhân khiến một người “háu ăn” phần nhiều xuất phát từ yếu tố tâm lý, chẳng hạn họ nghĩ ăn nhiều sẽ nhận được đánh giá cao từ xã hội hoặc có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Não trạng này được hình thành từ thời thơ ấu. Các cha mẹ có con nhỏ thường nói “Ăn nhiều mới ngoan, ăn xong sẽ đưa đi chơi”, điều này ngụ ý để con ăn nhiều hơn. Từ đó hình thành não trạng “ăn nhiều sẽ được đánh giá cao” trong đầu trẻ nhỏ và tiếp tục ảnh hưởng cho đến khi chúng trưởng thành.
Ngoài ra, hễ thấy con khóc thì cha mẹ nghĩ là đói. Những phụ huynh thiếu kinh nghiệm chăm sóc con khi thấy trẻ khóc sẽ lập tức đưa bình sữa vào miệng cho trẻ bú để ngừng khóc. Cứ như vậy sẽ hình thành phản xạ: Trẻ khóc sẽ được xoa dịu bằng cách cho ăn. Từ đó trong tiềm thức của bé sẽ thiết lập mối liên hệ giữa việc ăn uống và tâm trạng tốt. Theo thời gian, nhận thức này sẽ biến thành một định thức tâm lý. Khi trưởng thành, nếu một nhu cầu nào đó không được thỏa mãn, họ sẽ lấy việc ăn uống để xoa dịu bản thân. Hệ quả là càng buồn càng ăn nhiều càng béo.
Ở góc độ khác, phó giáo sư Zhang Qian, Trung tâm Kiểm soát Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Trung Quốc, cho biết rất nhiều người béo phì không ăn thực phẩm chính vì cho rằng đó là thủ phạm gây ra béo phì. Thực ra, nguyên nhân của béo phì chủ yếu do dư thừa năng lượng từ chất béo chứ không hoàn toàn liên quan đến thực phẩm chính.
Nghiên cứu cho thấy nếu năng lượng hấp thụ vào cơ thể lớn hơn năng lượng tiêu hao thì phần năng lượng dư thừa sẽ được tích trữ thành mỡ. Trong 3 nhóm thực phẩm chính, nhóm đóng góp năng lượng lớn nhất là chất béo chứ không phải carbohydrate (có trong tinh bột, đường). Một g chất béo cung cấp 38 kcal, trong khi một g carbohydrate chỉ cung cấp 17 kcal. Không chỉ vậy, mùi hấp dẫn của thức ăn đa phần đến từ chất béo, thực phẩm càng nhiều chất béo càng kích thích sự thèm ăn khiến chúng ta ăn nhiều hơn một cách vô thức. Đặc biệt là phụ nữ có xu hướng rất thích loại thực phẩm này.
Thi Trân