Home » Khỏe và đẹp » Tắm đêm có gây đột tử?

Tắm đêm có gây đột tử?

Mới đây, một tài khoản cá nhân đăng tải thông tin rằng em trai mới chết 3 tháng trước do tắm đêm. Theo tài khoản này, em trai 22 tuổi, rất khỏe mạnh: “Đi đá banh về, em ngồi chơi rồi đi tắm lúc 21h, ăn xong rồi lên giường ngủ, sáng ra không dậy nữa”. Dòng trạng thái này được nhiều người quan tâm và lo lắng tác hại của việc tắm đêm.

Vậy tắm đêm có gây đột tử?

Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn khẳng định, tắm đêm không phải là nguyên nhân gây đột tử. Đột tử ở người trẻ thường do nguyên nhân từ tim, cần lưu ý các triệu chứng báo động đỏ và sàng lọc yếu tố nguy cơ cao. Người có nguy cơ cao đột tử thì không nên tham gia các môn thể thao cạnh tranh. 

Theo các nghiên cứu, tắm nước ấm trước khi đi ngủ giúp bạn ngủ ngon hơn. Tắm nước ấm dưới vòi sen sẽ điều chỉnh nhịp sinh học của bạn. Nhiệt độ cơ thể cao nhất vào buổi sáng và buổi chiều làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo. Khi nhiệt độ cơ thể giảm vào buổi tối, bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ.

Bác sĩ Christopher Winter, Học viện Y học giấc ngủ Mỹ và là Giám đốc Trung tâm Giấc ngủ tại Bệnh viện Martha Jefferson, cho rằng tắm vòi sen ban đầu làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi phòng tắm, nhiệt độ cơ thể của bạn giảm đi, báo hiệu đã đến lúc ngủ hoặc ít nhất cũng làm dễ ngủ hơn. Tốt nhất nên tắm trước khi ngủ 60-90 phút để cơ thể có đủ thời gian làm mát và khô tóc. 

Mặt khác, hàng ngày da tiếp xúc với rất nhiều loại vi khuẩn và các gốc tự do, tắm đêm đảm bảo bạn rửa mặt sạch trước khi đi ngủ. Đây là điều cần thiết để duy trì làn da khỏe mạnh, giúp giảm mụn, giảm nếp nhăn và chống lão hóa.

Tăm đêm có thực sự gây đột tử. 

Tăm đêm có thực sự gây đột tử. 

Các sai lầm trong khi tắm cần tránh

– Tắm quá lâu: Ngâm mình trong nước quá lâu có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan. Bạn dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của mạch máu và huyết áp dẫn đến ngất xỉu, thậm chí có thể tử vong.

– Tắm ngay sau khi làm việc: Dễ dẫn đến thiếu nguồn cung cấp máu cho tim và não, đôi khi gây bất tỉnh.

– Nằm ngay sau khi tắm: Giảm đột ngột nhiệt độ sau khi tắm cũng làm giảm lưu lượng máu đến các hoạt động trong cơ thể, khiến máu đến não chậm, ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Người sức khỏe yếu và suy giảm miễn dịch, nếu nằm phòng máy lạnh ngay lập tức sau khi tắm thì dễ bị co giật và đột quỵ.

– Tắm ngay sau khi thức dậy: Bụng đói có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, hạ huyết áp, đột quỵ. Thêm vào đó, bạn tắm với nước quá nóng sẽ làm giãn mạch máu gây giảm lưu lượng máu đến não gây đau đầu, chóng mặt. Do đó, tốt nhất là uống một ly nước/sữa trước khi tắm hoặc tắm sau ăn sáng.

– Tắm muộn: Các chuyên gia khuyên sau 23h không nên tắm hay gội đầu bằng nước lạnh. Lý do, bạn sẽ bị giãn nở khí, giảm huyết áp, gây ra thiếu máu cục bộ nghiêm trọng dẫn đến bất tỉnh, hôn mê, khả năng tử vong rất cao.

– Tắm khi nhiệt độ cơ thể cao: Tắm ngay sau khi ra ngoài nắng nóng về, nhiệt độ cơ thể tăng, đổ mồ hôi nhiều, hơi ẩm thấm qua lỗ chân lông mở rộng khiến bạn ho, sốt, kèm theo nguy cơ bị viêm phổi do cảm lạnh.

Bác sĩ Hạnh khuyên, tắm vào buổi sáng là tốt nhất. 

Cao Khẩm