Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em trong mùa lạnh chủ yếu do nhiễm lạnh khi tắm, khi đi chơi hoặc ủ quá kỹ khiến bé ra mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể. Thực tế có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị viêm phổi vì bố mẹ tắm cho trẻ mỗi ngày trong thời tiết giá lạnh, lại tắm sai cách.
Tắm trong thời tiết lạnh rất nhiều nguy cơ nhiễm lạnh, chủ yếu trong lúc cởi và mặc quần áo. Khi tắm nước ấm xong sẽ có hiện tượng giãn mạch dưới da nên sau đó trẻ rất lạnh.
Vì thế, bác sĩ lưu ý cha mẹ khi tắm cho con cần đóng kín cửa phòng không để gió lùa. Nếu có điều kiện thì bật điều hòa để phòng ấm hoặc dùng máy sưởi đặt trước chậu nước tắm. Đồng thời, lấy nước đủ để làm ngập toàn thân trẻ, tuyệt đối không tắm kiểu lau người từng phần. Khi cơ thể ngập trong nước ấm, trẻ sẽ được giữ ấm, còn hở phần da nào lên trên mặt nước thì bị lạnh.
Khi tắm xong, cần nhanh chóng ủ người trẻ trong khăn tắm dày đã được hơ qua máy sưởi, dùng tay bóp nhẹ vào cơ thể trẻ để thấm nước, nhất là vùng nách, cổ. Chú ý mặc áo trước quần sau vì phần thân trên cơ thể trẻ bị lạnh hơn. Cha mẹ nên luồn ống tay áo vào trước, rồi từ từ gỡ khăn ra, đảm bảo vẫn kín ngực, khi đã mặc được áo thì rút khăn ra hoàn toàn.
Trong lúc mặc ấm phần thân trên, phần thân dưới trẻ vẫn cần được phủ chăn ấm, sau đó đóng bỉm, đeo găng, ôm bé vào lòng và cho bé bú mẹ cho ấm người.
Theo tiến sĩ Dũng, tại các nước châu Âu, trẻ sơ sinh được khuyến cáo tắm hai lần một tuần. Thời tiết nước ta thì cách ngày nên tắm một lần, thời tiết rét ẩm thì có thể ba ngày tắm một lần.
Viêm phổi (còn gọi viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang. Ở Việt Nam, trẻ viêm phổi chiếm 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tử vong do viêm phổi chiếm 75% trong các bệnh lý hô hấp. Biểu hiện chính gồm sốt, mệt mỏi, ăn kém, môi khô, ho khan hoặc có đờm xanh; nhịp thở nhanh so với lứa tuổi (dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi), co rút lõm ngực…
Hà An