Ngày 4/5, chàng trai 27 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E. Bệnh nhân bị bạn cắn đứt tai trong một cuộc nhậu, có nhiều vết trầy xước ở mặt, chảy máu, vành tai trái có mảnh khuyết lớn, mất toàn bộ vùng gờ luân và một phần dái tai. Vết thương gây chảy máu nhiều, lộ sụn vành tai có khả năng gây nhiễm trùng.
Bác sĩ đang kiểm tra tai bệnh nhân để chuẩn bị phẫu thuật tạo hình vành tai. Ảnh: T.X. |
Các bác sĩ sơ cấp cứu, rửa sạch vết thương, cầm máu, cắt lọc phần bị cắn nham nhở cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tái tạo vành tai nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm của vành tai.
Ca mổ kéo dài hơn một giờ. Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, do không tìm thấy mảnh tai rời của bệnh nhân, vết thương lại quá lớn nên bác sĩ quyết định dùng phần vạt da sau tai để tái tạo vành tai trái.
Theo đó, đầu tiên các bác sĩ sử dụng trụ da sau tai để che phủ tổn thương cho bệnh nhân. Sau khoảng 21 ngày, bác sĩ sẽ cắt cuống vạt trụ da và tạo hình vành theo không gian ba chiều để đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm của vành tai.
Theo thạc sĩ Minh, tái tạo vành tai là phẫu thuật phức tạp và khó thực hiện. Vành tai có cấu trúc đặc biệt gồm lớp sụn mỏng ở giữa có hình dáng lồi lõm, bao phủ hai mặt sụn là lớp da mỏng… Phẫu thuật tái tạo vành tai không chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị đứt tai do tai nạn mà còn điều trị các dị tật bẩm sinh như tai nhỏ bẩm sinh, dị tật tai vểnh hay tai cụp; lỗ dái tai to bất thường do đeo trang sức nặng lâu ngày hay bị biến dạng, rách, đứt…