Bệnh nhân 50 tuổi quê Phan Thiết phát hiện hạch vùng cổ, điều trị tại địa phương nhưng không đỡ. Hạch ngày càng to, kèm theo nổi hạch vùng nách, bẹn, sụt cân, khó thở, sốt nên vào TP HCM thăm khám. Kiểm tra tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy đây là lyphoma không Hodgkin, còn gọi là ung thư hạch, giai đoạn 4. Bệnh nhân trải qua 8 lần hóa trị và tiến hành ghép tế bào gốc tự thân.
Rã đông túi tế bào gốc. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Bác sĩ Lê Phước Đậm, Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy sau quá trình trao đổi chuyên môn tại Bệnh viện Tsukuba Nhật Bản đã về nước và lần đầu áp dụng kỹ thuật bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C. Trước đây hai phương pháp bảo quản cũ là giữ tế bào gốc ở -196 độ C giúp lưu trữ được 20 năm hoặc 4-6 độ C giúp giữ được 72 giờ.
“Thời gian lưu trữ của tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ có thể được 5 năm, tác dụng phụ liên quan dung dịch bảo quản ít hơn”, bác sĩ Đậm chia sẻ. Thời gian ghép chỉ khoảng 30-60 phút với một bác sĩ và 2 điều dưỡng, thay vì tốn 180 phút với 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng như trước đây. Chi phí của phương pháp mới này chỉ khoảng 20-50 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với phương pháp cũ tốn 100 triệu đồng.
Các phương pháp này chỉ khác nhau về nhiệt độ và dung dịch hóa chất bảo quản, còn lại thời gian mọc mảnh ghép, số ngày nằm viện, tỷ lệ sống còn đều tương tự nhau. Bệnh nhân sau ghép đã hồi phục khỏe mạnh, dần trở lại cuộc sống thường ngày.
Bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh sau khi ghép tế bào gốc. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Suzanne Thanh Thanh, Phó Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng phương pháp lữu trữ -80 độ C này. Cả nước hiện có 10 bệnh viện ghép tế bào gốc, với hơn 500 trường hợp, gồm ghép tự thân (của chính mình) và đồng loại (tế bào gốc được lấy từ người cho phù hợp, chi phí đắt hơn). Ghép tế bào gốc tạo máu giúp tăng tỷ lệ đạt lui bệnh, cải thiện chất lượng và thời gian sống, thậm chí có thể điều trị khỏi một số bệnh. Nguồn tế bào gốc được thu thập từ tủy xương, máu cuống rốn hoặc máu ngoại vi.