Tốc độ phát triển các bệnh kháng thuốc có khả năng sẽ vượt qua quá trình điều chế thuốc kháng sinh và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe loài người. Theo CNN, ngày 19/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra báo cáo cho thấy quá ít kháng sinh mới được điều chế trong khi số vi khuẩn nguy hiểm không ngừng gia tăng.
Ảnh: healthline. |
Tính đến tháng 5, giới khoa học đang nghiên cứu 51 kháng sinh cùng 11 chất sinh học làm từ các nguồn thiên nhiên có thể thay thế kháng sinh. Tuy nhiên, chỉ 33 kháng sinh nhắm đến 12 mầm bệnh ưu tiên mà WHO công bố hồi tháng 2 gồm vi khuẩn lao khiến 250.000 người tử vong mỗi năm và Enterobacteriaceae gây các bệnh nhiễm trùng ở bệnh viện, nhà dưỡng lão.
Trong 33 loại thuốc tiềm năng, tám loại là thuốc điều trị mới, tiên tiến hơn, còn 25 loại thực chất được sửa đổi đơn giản từ những nhóm kháng sinh hiện hành. Trường hợp tốt nhất, 25 kháng sinh đó sẽ dùng làm biện pháp ngắn hạn để chiến đấu với vi khuẩn.
Các báo cáo mới nhất cho thấy bệnh lao cần ít nhất ba kháng sinh. Thế nhưng, không quá bảy loại đang bước vào thử nghiệm. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia dự đoán chẳng bao lâu nữa, bệnh nhân lao sẽ thiếu hụt trầm trọng thuốc.
Tương tự, vi khuẩn gram âm cũng trở nên khó chữa. Phức tạp hơn nhiều vi khuẩn gram dương, chúng đòi hỏi thuốc kháng sinh đủ mạnh để xâm nhập qua thành tế bào rồi ở lại bên trong.
Bên cạnh số lượng kháng sinh nói chung, WHO nhận định quá ít kháng sinh đường uống được điều chế dù đây là biện pháp hiệu quả và dễ phân phối ở những quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình.
Xem thêm: Người Sài Gòn mua và dùng thuốc kháng sinh như thế nào
Để giải quyết vấn đề phát triển kháng sinh, WHO và Tổ chức Sáng kiến Thuốc cho Bệnh bị lãng quên đã thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Kháng sinh Toàn cầu. Bên cạnh đó, WHO nỗ lực cải thiện công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như soạn thảo hướng dẫn dùng kháng sinh hiệu quả.