“Dường như chúng ta đang tạo nên một cuộc đua”, bác sĩ Marcy Darnovsky từ Trung tâm Di truyền học và Xã hội Mỹ nhận xét. Không chỉ dẫn đến những nguy cơ về mặt thể chất, cuộc đua này còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về đạo đức.
Theo BBC, kỹ thuật kết hợp ADN 3 người được thiết kế nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ chết non do khiếm khuyết ty lạp thể. Để thực hiện, đội ngũ y tế lấy ADN của hai bố mẹ rồi đặt vào trứng do một phụ nữ khác hiến tặng. Đứa bé tương lai sẽ nhận 0,1% ADN từ nhà tài trợ.
Trên thế giới, Anh là nước tiên phong nghiên cứu cũng là quốc gia đầu tiên cải cách luật, cho phép hợp pháp hóa phương pháp sinh nở kết hợp gen 3 người. Giai đoạn kiểm tra an toàn cuối cùng mới được hoàn thành vào tháng 6 năm nay.
Tuy nhiên, từ trước khi công trình của các nhà khoa học Anh hoàn tất, em bé đầu tiên có 3 bố mẹ đã chào đợi tại Mexico làm dấy lên nhiều lo ngại. Không chỉ vậy, Ukraine được cho là đang ứng dụng phương pháp này vào tăng cường khả năng sinh sản dù điều này hoàn toàn khác với mục đích ban đầu.
Bác sĩ Marcy Darnovsky bày tỏ lo ngại vì không ít chuyên gia sẵn sàng bất chấp nguy cơ, đốt cháy giai đoạn và thực hiện thí nghiệm nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé để tìm kiếm danh vọng. Một số ý kiến cho rằng môi trường bên trong trứng không đủ hoặc mất cân bằng hóa chất cần thiết để kích hoạt sự phát triển của phôi sẽ gây ra vô sinh song có thể được cải thiện nhờ kỹ thuật kết hợp ADN ba người. Bác sĩ Darnovsky khẳng định lập luận đó “hoàn toàn dựa trên suy đoán”.
Bác sĩ John Zhang ôm em bé đầu tiên được sinh ra từ kỹ thuật kết hợp ADN 3 người. Ảnh: NEW HOPE FERTILITY CENTRE. |
Tới nay, rất ít quốc gia đưa ra điều luật về kỹ thuật kết hợp gen 3 người, phần nào dẫn tới tình trạng hàng loạt cơ sở thụ tinh trong ống nghiệm tự động coi nó là hợp pháp rồi tiến hành tràn lan. “Họ cứ thế nhảy rào và đổ xô về phía trước trong khi nhóm nhà khoa học Anh phải miệt mài nghiên cứu”, tiến sĩ Dusko Ilic từ Đại học King London (Anh) lên tiếng. “Vấn đề lớn nhất ở đây là các cơ sở đó tay nghề đến đâu, có những biện pháp quản lý chất lượng nào và cung cấp những thông tin gì cho các bệnh nhân đang tuyệt vọng tìm đến”. Trên thực tế, thông tin gia đình cùng ảnh em bé đầu tiên sinh ra từ 3 bố mẹ ở Mexico đã xuất hiện rộng rãi trên Internet dù không được đồng ý. Ở Anh, đây bị coi là tội nặng.
Đồng tình với quan điểm trên, Sarah Norcross, giám đốc Tổ chức Progress Educational Trust nói: “Bệnh nhân rất dễ bị lừa trả tiền cho những phương pháp ít hoặc không có lợi, thậm chí gây hại”. Theo bà, các cơ sở chữa vô sinh luôn nóng lòng áp dụng kỹ thuật mới để lấy danh tiếng. Để tự bảo vệ mình, phụ nữ cần cẩn trọng nếu muốn ra nước ngoài tiếp cận các phương pháp điều trị vô sinh.
Minh Nguyên