Home » Khỏe và đẹp » Thêm 7 bác sĩ trẻ tình nguyện lên vùng cao làm việc

Thêm 7 bác sĩ trẻ tình nguyện lên vùng cao làm việc

Các bác sĩ được phân công làm việc tại 4 tỉnh là Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên. Đây là khóa đào tạo thứ hai của dự án bác sĩ trẻ tình nguyện làm việc ở các tỉnh nghèo, do Bộ Y tế chủ trương. Đến nay có 154 sinh viên y khoa tham gia dự án, 14 người đã tốt nghiệp. Khóa mới với 28 bác sĩ tương lai đã được khai giảng ngày 9/1, đào tạo 9 chuyên khoa: chẩn đoán hình ảnh, y học cổ truyền, gây mê hồi sức, ngoại, nhi, truyền nhiễm, nội, hồi sức cấp cứu và sản.

Tháng 7/2017, có 7 bác sĩ của khóa đầu tiên đã tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ ở các huyện nghèo thuộc 4 tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La. Trong đó có một bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, một bác sĩ ngoại khoa và 5 bác sĩ nhi. Các bác sĩ này tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi; được đào tạo thêm 2 năm theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương.

Đánh giá kết quả bước đầu, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho biết, các bác sĩ trẻ tình nguyện đến các huyện miền núi đã làm chủ được 160 kỹ thuật. Trong 56 kỹ thuật ngoại đã thực hiện được, các bác sĩ thành công với nhiều kỹ thuật khó như cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi. Ngoài ra còn triển khai các kỹ thuật cao như chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh, siêu âm Doppler chẩn đoán bệnh lý mạch máu… Người dân đến bệnh viện nhiều hơn trước, tỷ lệ chuyển tuyến giảm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh dự án bác sĩ tình nguyện là bước đột phá của ngành y nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để chăm sóc sức khỏe người dân ở địa phương khó khăn. Nhờ đó người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên…

Dự án được Bộ Y tế triển khai từ tháng 2/2013, mục tiêu tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn. Dự án đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền) trong thời gian hai năm. Họ được các giáo sư, bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp đào tạo. Các chương trình đào tạo chú trọng năng lực thực hành, đảm bảo bác sĩ trẻ có thể làm việc độc lập tại những huyện nghèo.

Sau hai năm (với bác sĩ nữ) và ba năm (bác sĩ nam) làm việc tại vùng khó khăn; bác sĩ sẽ được tiếp nhận làm việc ở các bệnh viện Bạch Mai và Nhi Trung ương… Các bác sĩ được huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện.