Trưởng bộ môn ung thư, Đại học Y dược TP HCM cho biết, HPV là loại virus phổ biến đến nỗi phần lớn đàn ông và phụ nữ từng quan hệ tình dục sẽ nhiễm vào một thời điểm nào đó trong đời. Virus gây ra mụn cóc sinh dục hoặc ung thư: cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hầu họng.
Tính riêng ung thư cổ tử cung, mỗi năm Việt Nam có hơn 5.000 người mắc và 2.500 phụ nữ tử vong. Bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm văcxin cũng như tầm soát, song nhiều phụ huynh lo sợ tác dụng phụ hoặc ngại giải thích kiến thức giới tính cho trẻ gái, nên chần chừ không tiêm văcxin ngừa HPV từ sớm.
“Tôi có nghe bạn bè nói nên cho con tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng nghĩ đến chuyện phải giải thích cho con kiến thức giới tính, lại sợ vẽ đường cho hươu chạy. Hơn nữa, con bé mới 9 tuổi, còn quá sớm để nghĩ đến ung thư”, chị Thanh Tâm, một phụ huynh ở quận 3, TP HCM chia sẻ.
9-16 tuổi là độ tuổi lý tưởng nhất để cho con tiêm văcxin ngừa HPV. |
Theo bác sĩ Ngọc Linh, có nhiều lý do khoa học để các nước tiên tiến trên thế giới khuyến cáo bố mẹ nên tiêm văcxin sớm cho con gái. Thứ nhất, tiêm văcxin phòng ung thư cổ tử cung ở người càng trẻ thì đáp ứng miễn dịch càng cao, do kháng thể được sản sinh ra nhiều hơn.
Thứ hai, trẻ có thể nhiễm virus HPV dù không quan hệ hoặc tiếp xúc tình dục. Nguy cơ lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc với đồ lót, đồ bơi… Ngày nay, một số bé gái bắt đầu có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn và phụ huynh thường không dự đoán được. Do đó, chủng ngừa càng sớm thì càng tránh được nguy cơ trẻ đã phơi nhiễm và nhiễm HPV trước khi tiêm.
Thứ ba, văcxin này có hiệu quả kéo dài đến 30 năm. Phụ huynh cũng không lo tiêm ngừa sớm sẽ giảm hiệu quả lâu dài về sau. Chuyên gia khuyên, trẻ nên tiêm đủ ba mũi theo phát đồ 0-2-6 tháng và không cần làm xét nghiệm gì trước khi tiêm.
Suốt nhiều năm làm việc, bác sĩ Linh thường xuyên nhận được câu hỏi: “Nếu đã quan hệ tình dục thì tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung còn tác dụng không?”. Trên thực tế, chị em có thể nhiễm một hoặc vài chủng virus HPV sau khi gần gũi bạn đời. Việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng nguy cơ cao chưa mắc phải.
Song song với việc tiêm ngừa, cần tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh triệt để, đặc biệt với phụ nữ trung niên. |
HPV dễ tái nhiễm, tức là sau khi cơ thể loại thải vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không phòng được tái nhiễm nhưng văcxin ngừa được vấn đề này. Song song với việc tiêm ngừa, phụ nữ vẫn cần tham gia tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Bác sĩ Linh dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho thấy, có hơn 205 triệu văcxin ngừa HPV đã sử dụng trên thế giới. Văcxin ngừa HPV cũng được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận tính an toàn. Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào vì văcxin này.
An San
Để nhận tư vấn về biện pháp phòng ngừa ưng thư cổ tử cung, liên hệ bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện phụ sản, đơn vị y tế dự phòng, Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc hotline miễn phí 1800 545459.