Chiều 12/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 với hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh thành. Đây là hội nghị kỷ lục với hơn 12.000 người dự, trong đó có lãnh đạo các tỉnh thành, đại diện ngành y tế…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị. Ảnh: V.M |
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 9 hạn chế của ngành y tế. Trong đó, có nhiều vấn đề đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua như: quá tải bệnh viện, sai sót y khoa, thủ tục hành chính nhiêu khê, bất cập trong quản trị… Khi đề cập đến tình trạng quá tải, Thủ tướng cho rằng vẫn còn phổ biến cảnh một giường bệnh 2 -3 người nằm tại Bệnh viện K hay các viện tuyến trung ương khác. Ông cũng nhắc tới những việc xảy ra do sai quy trình, do năng lực y bác sĩ, gần đây nhất là câu chuyện quên panh trong bụng bệnh nhân… khi nói về các sự cố đau lòng của ngành y. “Những sự việc này không phổ biến nhưng là điều cấm kỵ”, ông nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo chính phủ cũng đề nghị ngành y tế lưu tâm đến những hạn chế trong quản trị ở một số bệnh viện, để xảy ra tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ hậu cần như xe cứu thương, ăn uống, an ninh… Thủ tướng cho rằng Việt Nam chưa đào tạo tốt cán bộ quản trị điều hành trong ngành y. Hiện nay các bệnh viện thường đưa bác sĩ giỏi chuyên môn lên làm lãnh đạo.
“Vẫn còn sự vô cảm trước nỗi đau của người bệnh trong một bộ phận nhỏ cán bộ y tế. Hiện tượng này không nhiều trong ngành y nhưng làm tổn hại đến y đức, trái lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông nhận xét và bày tỏ mong muốn: “Ngành cần khắc phục những tồn tại, đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm trong cung cấp dịch vụ, quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân. Nếu không quyết liệt thay đổi, chúng ta sẽ bị tụt hậu”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý ngành lấy trọng tâm là công tác y tế cơ sở hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho từng người dân; đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý, nâng cao tinh thần phục vụ của đội ngũ y bác sĩ. Các cơ sở điều trị bệnh viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, giảm bớt phiền hà cho người bệnh… Đồng thời, ngành y tế cần công khai kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện để người dân biết; thực hiện lộ trình liên thông, công nhận xét nghiệm giữa các bệnh viện. Thủ tướng yêu cầu đến tháng 6 thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện, không bắt bệnh nhân đến viện nào cũng chụp chiếu, lấy máu.
Thủ tướng đặt ra cho ngành y tế 12 câu hỏi về các vấn đề như: sự chảy máu ngoại tệ do người dân ra nước ngoài chữa bệnh; công tác y tế dự phòng chưa được chú trọng: tình trạng người dân thích vượt tuyến chữa bệnh, chênh lệch về chăm sóc y tế giữa thành thị và nông thôn…
Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ: “Có những việc ngành y tế có thể phấn đấu thực hiện được ngay, nhưng có những câu hỏi cần phải có thời gian mới có thể hoàn thành được”.
Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho Bộ Y tế. Ảnh: T.D. |
Theo Bộ trưởng, trong năm 2016, ngành y tế có chuyển biến tích cực, không để dịch bệnh lớn xảy ra, giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, nhiều bệnh viện quy mô lớn được xây dựng… Ngành đã xử lý trên 6.000 cán bộ nhân viên y tế vi phạm đạo đức.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận hệ thống y tế cơ sở chưa đám ứng nhu cầu của người dân, nhân lực y tế cơ sở còn thiếu và yếu về chất lượng nên người dân chưa quan tâm. Bên cạnh đó, tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp khó kiểm soát, chế tài xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm còn chưa đủ sức răn đe. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh đã tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu…
9 tồn tại của ngành y tế – Tình trạng quá tải bệnh viện. – Sai sót y khoa. – Bất cập trong quản trị bệnh viện. – Hạn chế về cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh. – Tình trạng chậm tiến độ xây dựng một số bệnh viện tuyến trung ương. – Bất cập trong quản lý dược phẩm, trang thiết bị y tế; dấu hiệu lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế. – Thất thoát trong công tác quản lý bảo hiểm y tế. – Công tác an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. – Mô hình y tế quận, huyện chưa thống nhất, nhiều trạm y tế xã còn tồn tại nhiều bất cập. |
Nam Phương