14h ngày 9/12, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM Nguyễn Trọng Hào; Trưởng khoa sản Bệnh viện Từ Dũ Lê Thị Thu Hà và chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đã có mặt tại toà soạn báo VnExpress để tư vấn cho độc giả nữ cách trị mụn tuổi trưởng thành.
– Kính chào các bác sĩ! Em năm nay 26 tuổi, là nữ, em bị mụn trên mặt từ lúc dậy thì đến nay. Em cũng có đi khám, uống thuốc, dùng sữa rữa mặt trị mụn, kem bôi trị mụn, nhưng chỉ hết được một thời gian ngắn, rồi lại bị lại. Da mặt em là da dầu, lúc nào cũng bóng và nhờn do dầu tiết ra, trời nắng nóng, da mặt càng bóng nhờn hơn, rất khó chịu. Mụn đầu trắng, mụn đầu đen làm da em không được mịn nữa. Mụn bọc, sưng đỏ làm em khó chịu vì đau. Em không dám trang điểm vì sợ sẽ bị mụn nhiều hơn. Nay em mong các bác sĩ tư vấn cho em cách nào điều trị hiệu quả và có tác dụng lâu dài, để em có da mặt đẹp trở lại! Em xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Trúc, 26 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM:
– Chào Trúc, trường hợp của em là thuộc loại mụn nặng, cần phải khám và điều trị chuyên khoa da liễu. Thời gian điều trị trung bình khoảng 3-4 tháng, vì vậy em cần phải kiên trì bằng các loại thuốc bôi và uống. Ngoài ra, em cần phải có cách chăm sóc da nhờn đúng cách bằng các sản phẩm phù hợp với loại da nhờn.
Nếu không đáp ứng với các loại thuốc thông thường, thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nội tiết tố vì trường hợp của em là mụn trứng cá kéo dài qua tuổi trưởng thành. Dù dùng phương pháp gì, em cần khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn cụ thể.
– Cho em hỏi mặt của em lên rất nhiều mụn nhỏ, ban đầu nó màu đỏ và mưng mủ, tạo nhân trắng, mọc ở khắp mặt, cổ và trán nên em không tự tin khi ra ngoài. Xin bác sĩ cho em lời tư vấn về điều trị mụn để lấy lại tự tin khi ra ngoài ạ. (Đoàn Thị Ngọc, 30 tuổi)
– Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, mụn nhỏ, ban đầu màu đỏ và mưng mủ, tạo nhân trắng, mọc khắp mặt, trán và cổ như em mô tả được hiểu là mụn trứng cá. Đây là bệnh da liễu, được đặt trưng bởi tình trạng viêm khu trú vùng nang lông – tuyến bã. Nguyên nhân được cho là: sự tăng tiết bã nhờn và viêm nhiễm, ngoài ra còn là do sự sừng hóa của phễu nang lông. Hiện tượng này chủ yếu do cường androgen, một nội tiết tự cơ thể sản sinh ra.
Để điều trị chủ yếu làm giảm tiết bã nhờn, tức là ức chế tác dụng của androgen, bên cạnh đó dùng kháng sinh để điều trị viêm, giữ sạch vùng da, uống nhiều nước, ngủ đầy đủ, ăn nhiều trái cây và rau tươi. Nếu em đã dùng các biện pháp trên nhưng vẫn không giảm thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và khám kỹ hơn.
– Thưa bác sĩ, tôi bị mụn đỏ ở mũi và quanh vùng mồm tính đến nay đã 3 năm kể từ khi mang bầu và giờ con tôi đã 3 tuổi. Tôi có đến viện da liễu ở Hà Nội khám, các bác sĩ chỉ định tôi bị viêm nang lông, cho thuốc bôi và uống nhưng càng dùng thuốc tôi càng thấy mụn đỏ (đầu trắng nhưng không có nhân) mọc càng nhiều. Quá nản, tôi đã qua Malaysia điều trị bằng uống thuốc và bôi kết hợp rửa mặt trong một tuần tôi thấy đỡ hẳn. Giờ bên phải miệng và cằm da hoàn toàn bình thường không có mụn nhưng lại bắt đầu ở bên trái miệng và tình trạng mụn ở mũi vẫn còn. Mong bác sĩ tư vấn để tôi có thể điều trị triệt để vấn đề trên. Cám ơn bác sĩ! (Hoàng Minh Tú, 31 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào bạn Tú, với những triệu chứng mà bạn nêu, thì bạn có thể đang bị mụn trứng cá, viêm nang lông hoặc trứng cá đỏ. Những bệnh này dù có triệu chứng gần giống nhau nhưng mỗi bệnh có cách điều trị khác nhau. Trường hợp của bạn đã điều trị ở nhiều nơi với những chẩn đoán và điều trị khác nhau nên bạn cần được khám trực tiếp để có chẩn đoán chính xác và tư vấn cụ thể hơn.
Trước khi có ý kiến trực tiếp của chuyên gia bạn không nên tự ý sử dụng các sản phẩm chăm sóc cũng như thuốc bôi để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
– Em đang bị đủ thứ mụn trên mặt và ở tình trạng nặng. Là con gái nên em tự ti lắm nhưng vẫn đang cố vượt qua. Em bị mụn từ năm lớp 10 và ở tình trạng nặng được một năm, chắc do 12 nên con suy nghĩ nhiều để thi đại học. Em từng dùng mặt nạ tự nhiên, thuốc bôi và uống, rửa mặt bằng chanh muối, bằng cây cỏ sữa, bôi kem… nhưng đều không hiệu quả mà ngày càng nặng. Mong các bác sĩ tư vấn giúp để em thêm tự tin. (Nguyễn Thị Ngọc Thủy, 18 tuổi)
– Chuyên gia tâm lý – thạc sĩ Lý Thị Mai:
– Trước hết có lời khen “em tự ti lắm nhưng con vẫn đang vượt qua”. Và tôi tin rằng em sẽ tự tin để vượt qua và điều trị có kết quả. Đúng như em nghĩ, chính từ nỗi lo học tập và áp lực thi cử của năm lớp 12 cũng là một trong những nguyên nhân gây thêm mụn vì thế ngoài sự tuân thủ y lệnh của bác sĩ thì em nên sắp xếp việc học và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa… Hy vọng em sẽ mạnh khỏe để đủ sức đẩy lùi “các thứ mụn” đáng ghét nhé! Chúc em học tập đạt kết quả tốt và thật sự tự tin ở giảng đường đại học.
– Xin kính chào các bác sĩ! Tôi năm nay 36 tuổi, đã có chồng và hai con. Từ khi sinh xong bé 2 đến nay đã 5 năm rồi mà mặt mọc rất nhiều nám chân và lốm đốm mụn (cám quanh mũi và mủ quanh miệng). Tôi rất mất tự tin khi giao tiếp và cảm thấy như mình bị già đi nhiều tuổi. Hiện tại tôi đang ở nhà nội trợ. Chu kỳ kinh nguyệt của tôi khá dài thường là 40-45 ngày. Kính mong các bác sĩ tư vấn giúp cách điều trị để tôi sớm có được làn da mịn màng hơn! Xin chân thành cảm ơn! (Hồng Vân, 36 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào bạn, kinh nguyệt của bạn không đều kèm theo có mụn mủ quanh mũi và miệng kèm theo nám da nghĩ nhiều đến do rối loạn nội tiết gây nên. Với tình trạng cường androgen sẽ gây tăng tiết bã nhờn, dễ hình thành nên mụn mủ nói trên. Để điều trị, có thể sử dụng các hoạt chất ức chế hoạt động của androgen (ví dụ như cyproterone acetate) nhằm giảm tiết bã nhờn, giữ sạch da, uống nhiều nước, ngủ đủ, bổ sung các vitamin C và E. Tuy nhiên, bạn cần khám tổng quát cũng như khám phụ khoa trước khi sử dụng nội tiết này vì có thể gây ra những tác dụng phụ và một số người không sử dụng được (viêm gan, có tiền căn gia đình hoặc bản thân bị u vú hoặc rong huyết chưa rõ nguyên nhân, nhức nửa đầu…).
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà. Ảnh: Hà Mai |
– Xin chào bác sĩ, Năm nay cháu 27 tuổi, cháu bị mụn khoảng 5 năm nay, tuy nhiên một năm trở lại đây da cháu xấu hơn, xuất hiện mụn ẩn và gần như khắp mặt, da đổ dầu nhiều vào ban ngày, và đổ khắp khu vực chữ T vào ban đêm, da sậm màu đi nhiều. Công việc của cháu thì không thể tránh khỏi hoàn toàn stress và thức khuya nên dù cháu có chăm sóc bên ngoài da tốt thế nào thì vẫn không giảm tình trạng mụn ạ. Cháu muốn được các bác sĩ tư vấn cho cháu về chế độ ăn uống và có thể sử dụng thực phẩm chức năng gì để làm cân bằng lại nội tiết của cháu không ạ? Và để khám xem nội tiết của cháu thật sự có bị mất cân bằng không thì cháu nên đến những cơ sở y tế nào để khám ạ? Cháu xin cảm ơn và mong phản hồi của bác sĩ. (Đoàn THị Huyền Trang, 27 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào cháu! Cô rất thông cảm với “công việc của cháu thì không thể tránh khỏi hoàn toàn stress và thức khuya nên dù cháu có chăm sóc bên ngoài da tốt thế nào thì vẫn không giảm tình trạng mụn”. Tuy nhiên, cô tin cháu sẽ khắc phục được vì cháu hiểu rõ nguyên nhân gây mụn và có kiến thức về việc này nên nếu cháu hợp tác tốt với các bác sĩ cô tin cháu sẽ vượt qua. Cô chỉ đề nghị cháu xem xét và tổ chức lại thời gian ngủ hợp lý, không cần phải ngủ thật nhiều mà quan trọng là chất lượng giấc ngủ có an lành và sâu hay không. Khi ngủ ngon giấc, stress cũng sẽ giảm. Tinh thần an vui cũng giúp tăng sức dung nạp áp lực do công việc gây ra đấy cháu ạ. Hãy thử xem vài gợi ý của cô nhé!
– Chào bác sĩ, tôi bị mụn đã lâu, từ lúc đến tuổi dậy thì đến giờ và đã chữa trị nhiều nơi nhưng không hết. Da tôi nhờn tiết ra rất nhiều, lông dày và đen, mụn thường mọc ở dưới xương quai hàm cho xuống gần cổ, mụn rất to và đau. Thưa bác sĩ mụn của tôi có phải là do nội tiết hay không? Tôi chưa lập gia đình và muốn dùng thuốc tránh thai để điều trị thì có được không? (Thanh Bình, 30 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Bình, đã trên 30 tuổi và với những triệu chứng mà em nêu như: da nhờn nhiều, rậm lông, mụn mọc dưới xương quai hàm… có thể nghĩ đến tình trạng mụn trứng cá do cường androgen (mụn trứng cá nội tiết). Tình trạng của em có chỉ định dùng viên tránh thai kết hợp để điều trị, tuy nhiên em cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc sản khoa khám và xét nghiệm trước điều trị.
Việc sử dụng thuốc tránh thai không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của em sau này, nhưng nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào. Ảnh: Hà Mai |
– Các bác sĩ cho em hỏi, em chưa lập gia đình, công việc cuộc sống cũng không áp lực nhiều, ngủ trước 12h. Khoảng mấy tháng gần đây có xuất hiện mụn li ti ở vùng xương quai hàm, mụn không đau, không sưng chỉ sần sần trên da nhìn mất thẩm mỹ. Hàng ngày em cũng vệ sinh da mặt 2 lần với sữa rửa mặt dịu nhẹ và không trang điểm. Em có tìm hiểu thì có thể nguyên nhân do nội tiết tố. Vậy làm sao để điều trị những cái mụn này ạ? (DO THI HONG LY, 25 tuổi, Q1, HCM)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào em,
Đúng là nguyên nhân của những mụn li ti vung xương quai hàm có thể do rối loạn về nội tiết. Tình trạng mụn là do tăng tiết bã nhờn của nang lông, những trường hợp mụn mủ là khi có viêm nhiễm xảy ra. Em đã không bị áp lực trong cuộc sống, ngủ đủ và vệ sinh da mặt phù hợp thì càng nghĩ nhiều hơn đến tình trạng do nguyên nhân nội tiết. Vì vậy, việc sử dụng các chất ức chế androgen (tác nhân gây tăng tiết bã nhờn) có thể làm giảm tình trạng mụn của em.
– Em năm nay gần 17 tuổi, bị mọc mụn ở trán cằm và cánh mũi. Có phải em thức đêm nhiều quá nên mới mọc mụn, mong bác sĩ giải thích dùm em để em còn chữa trị? Hiện tại, mụn trên mặt em mọc khá nhiều, em thấy rất mặc cảm khi tiếp xúc với người khác. (Vũ Thị Nụ, 17 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em, có lẽ năm nay em là học sinh cuối cấp nên rất lo lắng cho việc học tập, cụ thể em nói em “thức đêm nhiều quá”, đó mới chỉ là một trong những nguyên nhân. Em nên xem lại những bữa ăn hàng ngày có đủ dưỡng chất hay không? Chưa kể, kinh nguyệt em có đều đặn, có gì phải lo lắng thường xuyên, em có dành thời gian để tập thể dục, vận động cơ thể được linh hoạt hay không…
Bác sĩ sẽ giúp em tìm ra cách trị mụn tốt nhất nhưng đừng quên xem xét lại những điều cô vừa gợi ý nhé. Chúc em thành công.
– Xin chào bác sĩ Hào, tôi năm nay 35 tuổi , gần 3 năm trở lại đây tôi thường hay bị nổi nhiều mụn trước chu kỳ kinh nguyệt, mụn thường sưng đỏ thành cục to, chai cứng rồi hôm sau thấy có mủ nhưng không đau nhức, khi lặn thì để lại vết thâm đen mất thẩm mỹ. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách phòng và chữa các mụn trên như thế nào, chế độ ăn uống ra sao trước chu kỳ kình để mụn không còn xuất hiện nữa. Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ . (Phạm Thị Thúy Loan, 35 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào bạn, tình trạng của bạn là mụn khởi phát muộn ở tuổi trưởng thành lại xuất hiện nhiều trước mỗi chu kỳ kinh nên nghĩ nhiều đến mụn do yếu tố nội tiết. Nếu tình trạng nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, bạn có thể sử dụng một số loại sữa rửa mặt chuyên dụng để chăm sóc da nhờn, có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ (ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước), ngủ đủ giấc, tránh nắng.
Nếu tình trạng nặng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ bạn nên khám ở chuyên khoa da liễu ở một số trung tâm uy tín như Bệnh viện da liễu TP HCM. Các bác sĩ sẽ tư vấn điều trị cụ thể để xử lý tình trạng mụn và những vết thâm do mụn gây nên.
– Chào bác sĩ, em là nữ, năm nay 21 tuổi. Mặt em có nổi mụn theo thời kỳ, mỗi lần nổi mụn là liên tục khoảng 6 tháng đến 1 năm. Giai đoạn đó (em có sử dụng thuốc của bác sĩ da liễu và bôi kem trị mụn, trị sẹo), em có đi xét nghiệm và biết gan cũng như nội tiết tố hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cứ không dùng thuốc thì sau vài tháng em lại bị mụn lại. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em hướng giải quyết và các cách chăm sóc da tại nhà không ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Thu Điệp, 21 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, tình trạng mụn của em theo thời gian trong năm, em đã đi xét nghiệm và biết gan cũng như nội tiết tố hoạt động bình thường, có thể là do ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc môi trường. Ngoài ra, việc chăm sóc da cũng như dinh dưỡng không đúng cách góp phần gây nên mụn.
Để giải quyết tình trạng trên, em nên giữ sạch da bằng sữa rửa mặt loại dịu nhẹ 2 lần trong ngày, uống nhiều nước (khoảng hơn 3 lít trong ngày), ăn nhiều rau và trái cây tươi, ngủ đủ giấc, không nên thức khuya, tinh thần thoải mái… Em nên giữ những đồ dùng cá nhân luôn sạch sẽ như khăn tắm, khăn lau mặt, chăn, gối… Nếu sử dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng vẫn không giảm, em nên khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp.
– Mẹ em năm nay 45 tuổi nhưng nổi rất nhiều trứng cá. Xin bác sĩ cho em biết tại sao mẹ em lại bị như thế? Em xin cảm ơn. (KimQuyen Nguyen, 45 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em! trước hết cô rất vui khi thấy em quan tâm đến mẹ. Ngoài những nguyên nhân bệnh lý sẽ được các bác sĩ giải đáp giúp, cô chỉ lưu ý với em vài ý để em có thể trao đổi với mẹ.
Năm nay 45 tuổi, có thể mẹ em đang bước vào giai đoạn của tuổi mãn kinh, vì thế có nhiều thay đổi, đôi khi giấc ngủ không yên, người dễ bực bội, cáu gắt, ăn uống chểnh mảng, tâm lý bất an, cơ thể thay đổi, chưa kể mẹ có thể có những lo toan trong gia đình, công việc ngoài xã hội…
Là con gái, em hãy gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với mẹ, khi tinh thần được bình an, vui vẻ cũng là cách góp phần giúp mẹ cải thiện tình trạng hiện nay.
– Con gái tôi năm nay 20 tuổi, da của bé thuộc loại da dầu, rất dễ bị mụn. Dạo này do việc học căng thẳng, da lại càng bị nổi mụn rất nhiều mà không biết chăm sóc như thế nào? Bên cạnh đó vì tâm lý xấu hổ khiến tình trạng học tập của bé ngày càng sa sút. Không biết có thể làm thế nào để giải tỏa tâm lý đó cho con? (Nguyễn Thị Kiều Diễm, 20 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em, ông bà ta có câu “nhất da, nhì dáng” vì thế em rất bất an với làn da của con gái. Tôi rất thông cảm với em. Điều trị thế nào cho đúng cách các bác sĩ sẽ giúp cháu, vì thế em không nên quá lo lắng. Tôi đề nghị em giúp cháu về chế độ ăn cho đúng bữa, đủ dưỡng chất và phù hợp với thể trạng của cháu, về việc này thì không ai làm tốt hơn mẹ vì em hiểu rõ nết ăn của cháu.
Về giấc ngủ em cũng cần lưu ý cháu ngủ đúng giờ sau khi vệ sinh da mặt đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Được ăn, được ngủ hợp lý tinh thần cháu sẽ sớm ổn định lại có một người mẹ hiểu tâm lý vỗ về an ủi chắc chắn tình trạng của cháu sẽ sớm khắc phục được thôi.
Em đừng quên nhắc cháu muốn học tập đạt kết quả thì phải học đúng phương pháp chứ không phải học nhiều đến nỗi tự tạo áp lực cho bản thân. Chúc em thành công.
Chuyên gia Lý Thị Mai. Ảnh: Hà Mai |
– Mụn trứng cá và mụn nội tiết khác nhau như thế nào? Em bị mụn bọc ở lưng và mặt từ mấy tháng nay, lên rất nhiều nhưng ngứa chứ không đau (giống như dị ứng môi trường làm việc). Đó có phải là mụn nội tiết, và điều trị bằng thuốc viên nội tiết có được không? (Nguyễn Diệu Ngọc Duyên, 23 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Duyên, thông thường mụn trứng cá gặp ở độ tuổi thanh – thiếu niên và thường hết khi đến tuổi trưởng thành. Còn mụn liên quan đến nội tiết tố thì khởi phát muộn hoặc kéo dài qua tuổi trưởng thành và có một số dấu hiệu như: xuất hiện trước mỗi kỳ kinh, rậm lông vùng mặt – thân mình hoặc hói đầu.
Trường hợp của em chưa đủ triệu chứng để kết luận là mụn nội tiết nên em không nên tự tiện dùng thuốc viên nội tiết để điều trị và nên đếm khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị đúng cách.
– Tôi bị mụn được 10 năm, gần có kinh mụn mọc nhiều hơn, đa số mụn bọc đầu trắng rất đau nhức. Mong bác sĩ tư vấn giúp cách điều trị mụn và ngừa thâm. (Hạnh, 25 tuổi, Tổ 11, Phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, em bị mụn thời gian khá dài, liên quan đến kỳ kinh và đau nhức nghĩ nhiều đến tình trạng tăng tiết tuyến bã nhờn (da dầu) và kèm theo nhiễm trùng trên mụn. Mụn lâu năm thường gây thâm da điều này làm mất tự tin khi giao tiếp. Để giải quyết tình trạng của em, điều quan trọng nhất là giảm tiết bã nhờn, giữ sạch da (rửa mặt khoảng 2 lần trong ngày bằng sữa rửa mặt loại dịu nhẹ, không nên nặn mụn và đặc biệt không dùng tay sờ lên mặt), uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau tươi, ngủ đủ giấc (trên 8 tiếng mỗi ngày), giữ tinh thần thoải mái…
Vì mụn của em có tình trạng nhiễm trùng nên dùng thêm kháng sinh, ngoài ra có thể thoa một số loại thuốc nhằm giảm tình trạng thâm da. Việc sử dụng thuốc cần được kê toa bởi bác sĩ.
– Cháu bị mụn được gần 3 năm rồi, dù đã thử nhiều cách và nhiều loại thuốc khác nhau nhưng vẫn không khỏi. Mong chuyên gia tư vấn giúp cháu. Cháu mất tự tin, ảnh hưởng nhiều trong việc giao tiếp. (Hoàng Thị Thùy Linh, 29 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào cháu, cCô rất hiểu nỗi băn khoăn của cháu khi giao tiếp với mọi người. Để có một làn da đẹp đã quan trọng, nhưng giữ cho thần thái tươi tắn, thân thiện cũng quan trọng không kém. Ba năm tìm cách điều trị nhưng chưa hiệu quả cũng đừng vội nản lòng, cháu hãy kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, tích cực và học cách trang điểm để có thể hạn chế bớt “khuyết điểm”…
Điều quan trọng là nội dung khi giao tiếp sao cho rõ ràng, mạch lạc và tôn trọng người nghe sẽ thuyết phục và tạo được ảnh hưởng với đối tượng giao tiếp. Cháu thử xem nhé, chúc cháu thành công.
– Em năm nay 22 tuổi, vốn là người khá tự tin, giờ bỗng trở nên tự ti và ngại ngùng. Cả tháng nay em đóng cửa ngồi nhà, không dám đi đâu. Nhưng thỉnh thoảng cứ nghe bạn bè nói “sao dạo này mụn nhiều thế”, “mặt thế này sao ra đường”… Em biết mọi người không cố ý, nhưng em chán lắm. Em biết càng suy nghĩ, càng stress, mụn càng nặng thêm. Em rất bi quan, tại sao em lại có mụn cơ chứ, em đâu còn là con gái 15-16 tuổi? Bác sĩ có thể cho em lời khuyên lúc này? (Lê Vũ Bảo An, 22 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em. Cô hoàn toàn đồng ý với em “em biết mọi người không cố ý, nhưng em chán lắm. Em biết, bị mụn càng suy nghĩ càng bị stress nặng thêm”. Là con gái ai cũng quan tâm đến làn da, vóc dáng của mình, có thế mới là nét đáng yêu của con gái. Tuy nhiên, một tháng nay bỗng dưng em bị mụn nên em rất lo lắng và tự ti.
Ngoài việc điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, cô mong em xem xét lại các sinh hoạt trong thời gian gần đây: Em có việc gì phải phiền muộn hay căng thẳng, công việc có thuận lợi, bữa ăn, giấc ngủ có tròn giấc, kinh nguyệt có điều hòa, có sử dụng mỹ phẩm gì lạ, có uống thuốc điều trị bệnh… Khi tìm được nguyên nhân và được điều trị đúng cách em sẽ không còn phải chán nản, bi quan nữa. Cô chúc em sớm khôi phục lại sự tự tin.
– Tôi bị mụn đã 3 năm nay và có điều trị bệnh viện da liễu TP HCM nhiều lần về hết mụn được thời gian lại trở lại, tôi cũng tìm đến những phương pháp động y như uống thuốc nam, châm cứu và nhiều sản phẩm mà mụn cứ hết khoảng 2 tháng lại bị lại. Khoảng tháng trước mặt tôi hết mụn nhưng đầy sẹo rỗ rất sâu nhưng khoảng 2 tuần nay không biết vì lý do gì mà mặt tiếp tục nổi mụn khủng khiếp cộng với sẹo rỗ từ trước. Tôi chẳng dám nhìn vào mặt mình nữa, tôi không nặn nhưng cứ mụn nổi lên sẹp xuống và để lại sẹo. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Nguyễn Thị Thúy Oanh, 24 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Oanh, mụn trứng cá tuy không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng khó trị dứt điểm và hay tái phát, nhất là những trường hợp nặng.
Trường hợp của bạn, mụn nhiều và để lại sẹo rỗ nên được xếp vào mức độ nặng, vì vậy việc tái phát là không thể tránh khỏi. Điều trị mụn trứng cá nói chung, nhất là trường hợp nặng cần đòi hỏi sự kiên trì từ 3-4 tháng và phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ. Sau giai đoạn điều trị tấn công, làm giảm và sạch mụn, bạn cần điều trị duy trì trong thời gian dài để tránh tái phát.
Bạn cũng không nên quá lo lắng về tình trạng sẹo rỗ của mình vì hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ tương đối hiệu quả. Bạn nên đến khám tại những trung tâm chuyên khoa như Bệnh viện da liễu TP HCM để giải quyết tình trạng mụn và sẹo rỗ.
Chúc bạn hết mụn và tự tin.
– Chào bác sĩ năm nay cháu 23 tuổi, khoảng 2 tháng trở lại đây trên mặt cháu xuất hiện mụn trứng cá, lúc đầu không nhiều lắm nhưng do cháu nặn nên khoảng một tuần sau mặt bắt đầu nổi nhiều hơn. Cháu đã uống viên ngừa mụn hoa linh và bôi một số loại thuốc nhưng không thấy đỡ,mà vẫn nổi nhiều hơn, da cháu là da nhờn, cách đây khoảng 3 năm cháu cũng bị nhưng đã khỏi. Mụn thường nổi đỏ xung quanh má, căm sau đó để lại sẹo đen. Bác sĩ cho cháu hỏi có cách nào trị đựoc mụn, chỉ cho cháu nên khám ở đâu hiệu quả nhất. Cháu xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Thị Minh Hòa, 23 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, mụn trứng cá là bệnh lý da thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng viêm tại chỗ của nang lông, tuyến bã. Tình trạng tăng tiết bã nhờn tạo nên mụn, nhiễm trùng trên những nốt mụn này gây nên mụn bọc, mụn mủ. Bàn tay là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn khi bạn nặn mụn là tạo nên khoảng hở để vi khuẩn xâm nhập. Do vậy tình trạng mụn sẽ nặng nề hơn nếu bạn nặn mụn, đặc biệt khi dùng tay.
Mụn lâu ngày sẽ bị thâm da. Để điều trị mụn mủ, mụn thâm trước hết là ngăn ngừa mụn trứng cá phát sinh. Muốn vậy, em cần giữ sạch da đúng cách, uống nhiều nước, bổ sung vitamin C và E, dùng các chất giảm tiết bã nhờn. Nếu đã có mụn bọc, mụn mủ, em cần đến các bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị phù hợp nhất.
– Em năm nay 19 tuổi bị mụn trứng cá đã lâu, mụn khá dày ở phần trên mặt, cằm và dưới cổ, nhìn rất xấu. Bây giờ em rất buồn và chán nản, em nghĩ chẳng ai dám quen một người con gái như em. (Nguyễn Phi Phụng)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em. Em có suy nghĩ thật dễ thương, chỉ vì mụn mà sợ “không ai dám quen”. Em yên tâm, y học tiến bộ và điều trị đúng cách sẽ giúp em khắc phục điều này, hãy tin như thế. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ với em đôi điều, quen nhau, thân nhau rồi đi đến yêu nhau, ngoài dung mạo thì phẩm hạnh mới là điều quan trọng hơn cả. Nhan sắc có thể phai tàn theo thời gian nhưng phẩm hạnh của người phụ nữ thì lại càng đẹp hơn lên theo năm tháng. Vì thế, em hãy yên tâm sống và làm việc cho thật tốt, e rằng một lúc nào đó em sẽ chợt cười mình sao có lúc lại bi quan đến thế. Chúc em sớm vượt qua nỗi buồn.
– Bác sĩ cho em hỏi, em bị mun đầu trắng gần như khắp mặt, càng ngày càng nhiều, lông tơ trên mặt em cũng lên rậm và dài nữa, mỗi lần như thế em thường thoa phấn lên mặt và dùng dao lam đề nạo sạch lớp lông. Bác sĩ cho em hỏi làm như vậy có tốt cho da mặt không, xin bác sĩ tư vấn giúp em cách tẩy lông hiệu quả và triệt để. (Tôn Nữ Phương Như, 22 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, em bị mụn đầu trắng khắp mặt nhiều, lông tơ trên mặt rậm và dài là biểu hiện của tình trạng cường androgen. Việc em thoa phấn lên mặt và dùng dao lam để nạo sạch lớp lông là không phù hợp ngược lại có thể gây tổn thương da. Khi dùng dao lam để cạo lông có thể làm tổn thương vi thể trên da và từ đó vi khuẩn xâm nhập vào và gây nhiễm trùng, thậm chí có thể gây nhiễm trùng huyết.
Thoa phấn lên mặt, em sẽ có cảm nhận da bớt dầu ngay lập tức, tuy nhiên, phấn sẽ bít các nang lông, làm tình trạng mụn nặng thêm.
Để giảm tình trạng mụn đầu trắng và lông tơ, điều cần thiết là em dùng các chất ức chế tác dụng của androgen, giữ vệ sinh da mặt đúng cách…
– Em đang điều trị mụn bằng thuốc viên nội tiết, dạo này có dấu hiệu bực bội, cáu gắt khác thường. Không biết đó có phải là tác dụng phụ ảnh hưởng đến tâm lý khi dùng thuốc? (Trương Phụng Thủy)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em. Bác sĩ sẽ giúp em hiểu rõ hơn việc em hỏi, cô chỉ lưu ý em một điều: nếu không phải vì tác dụng phụ của thuốc uống thì chính tâm trạng lo lắng, bất an mới là nguyên nhân gây ra sự nóng nảy, bực bội ở nơi em.
Ngoài ra, em cũng chú ý đến sinh hoạt cá nhân xem có bị xáo trộn như việc ăn uống, ngủ nghỉ, chế độ làm việc… Hy vọng em sớm thoát khỏi tâm trạng hiện nay nhé.
– Cháu bị mụn hơn một năm nay, cháu đã thử nhiều liệu pháp trị mụn, dù chữa hết thì nó vẫn để lại vết thâm, đặc biệt là vùng má. Vậy cháu muốn hỏi bác sĩ chế độ và thực đơn ăn uống cho hợp lý để điều trị mau khỏi. (Phan Vũ Thiên Khánh, 13 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Khánh, để phòng ngừa mụn, cháu nên có chế độ sinh hoạt học tập hợp lý, tránh thức khuya, chế độ ăn uống khoa học (nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước hạn chế thức ăn ngọt, béo). Ngoài ra, cháu cần vệ sinh da mặt sạch nhờn bằng các loại sửa sửa mặt cho da nhờn, để hạn chế mụn xuất hiện. Cháu cũng nên có biện pháp tránh nắng như: đeo khẩu trang khi ra ngoài từ 9h-16h, sử dụng kem chống nắng cho da nhờn để hạn chế di chứng vết thâm do mụn.
– Đối với việc điều trị mụn trứng cá do nội tiết tố thì thời gian điều trị thông thường sẽ kéo dài bao lâu, và ảnh hưởng của việc điều trị này sẽ như thế nào? (Lâm Ngọc Anh, 24 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, điều trị mụn trứng cá do nội tiết thường có hiệu quả sau vài tháng sử dụng và phải dùng kéo dài sau đó 3-4 tháng. Khi dùng nội tiết để điều trị, ngoài tác dụng giảm mụn trứng cá còn giúp giảm tình trạng rậm lông (lông tơ trên mặt), giảm rụng tóc, kinh nguyệt đều. Tuy nhiên, việc sử dụng nội tiết cần được khám và chỉ định bởi bác sĩ.
– Em bị mụn bọc ở lưng và mặt từ mấy tháng nay, lên rất nhiều nhưng ngứa chứ không đau (giống như dị ứng môi trường làm việc). Em là con trai nên em muốn hỏi em dùng thuốc tránh thai có được không? (Phương Anh, 18 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào Phương Anh, hoan nghênh em quan tâm đến vấn đề chăm sóc da. Mụn bọc ở lưng và mặt là do cường androgen (đây là nội tiết do cơ thể sản sinh), gây nên mụn, rậm lông, bắp cơ phát triển. Một số loại thuốc tránh thai có tác dụng ức chế hoạt động androgen, tuy nhiên trong thành phần thuốc có thêm estrogen (nội tiết tố nữ). Do vậy, các loại thuốc tránh thai hiện nay nam giới không sử dụng được. Hy vong trong tương lai có những loại thuốc tránh thai cho nam giới không chứa estrogen.
– Chào bác sĩ, con năm nay 26 tuổi và con muốn hỏi là khi đang điều trị mụn bằng thuốc viên nội tiết có được dùng kèm kem chống nắng và các loại mỹ phẩm khác hay không? Sau khi điều trị có dùng thêm thuốc để bôi hay uống kèm thêm không ạ? (Dương Mộng Thu, 26 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Thu, em đang điều trị mụn trứng cá vẫn có thể sử dụng kem chống nắng và mỹ phẩm nhưng phải được các chuyên gia da liễu tư vấn để chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng mụn và da nhờn. Việc tránh nắng hợp lý giúp kết quả điều trị mụn trứng cá hiệu quả hơn và phòng ngừa vết thâm sau viêm do mụn.
Điều trị mụn trứng cá đòi hỏi thời gian lâu dài, sau thời gian tấn công làm giảm và sạch mụn em cần tiếp tục duy trì điều trị bằng một số loại thuốc bôi và sản phẩm chăm sóc da phù hợp để tránh tái phát.
Chúc em điều trị thành công.
– Tôi đang mang thai có sử dụng thuốc viên trị nội tiết tố để điều trị mụn được không? Có ảnh hưởng đến em bé ở trong bụng không? (Nguyễn Thúy Bắc, 28 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, thuốc viên nội tiết điều trị mụn không sử dụng được trong khi mang thai. Nội tiết có trong thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính bào thai. Tuy nhiên, các loại thuốc tránh thai hiện nay với hàm lượng estrogen liều thấp nên việc ảnh hưởng này không đáng kể. Vì thế, nếu trong quá trình dùng thuốc tránh thai, em bị quên thuốc hoặc lý do nào khác, sau đó mang thai thì vẫn có thể tiếp tục thai kỳ.
Khi đã biết có thai thì em không nên sử dụng nội tiết.
– Em luôn bị ám ảnh với làn da nhiều thâm, mụn, sẹo xấu xí của mình và luôn phải sống sau lớp trang điểm. Thậm chí em đã nghĩ đến cái chết vì những đau khổ xảy ra vì bộ mặt xấu xí này. Em chữa trị nhiều nơi và nhiều cách, tốn rất nhiều tiền vẫn không hết. Làm sao em có thể vượt qua nỗi tuyệt vọng này đây? (Phạm Thị Nguyên Đang, 24 tuổi, TP HCM)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em. Cô xin bắt đầu bằng lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Em cho biết đã chữa trị lâu dài và tốn kém nhưng chưa đem lại kết quả như ý muốn làm em nản lòng. Nhưng cho cô hỏi thời gian cho mỗi đợt điều trị có hợp lý và đủ để đem lại hiệu quả chưa hay do sốt ruột mà thay đổi liên tục?
Thời gian sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống có hợp lý hay không? Nếu cứ sống triền miên với nỗi ám ảnh thì giấc ngủ làm sao yên lành, vòng lẩn quẩn của việc lo lắng, mất ngủ cũng có thể dẫn đến nhiều mụn hơn…
Một vài gợi ý để em cân nhắc chọn cho mình nếp sinh hoạt phù hợp và khoa học nhất. Cô rất vui khi em cho biết “sống sau lớp trang điểm” đồng nghĩa với việc khi trang điểm thì dung mạo em bình thường, chứng tỏ em là người có kỹ năng trang điểm khéo. Tuy nhiên, em cũng nên cân nhắc cho da “được thở” vì đôi khi make-up thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm mụn. Em cũng nên kiểm tra chất lượng mỹ phẩm mà em hay dùng. Chúc em tự tin, vui sống.
– Thường mụn chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì, tại sao tôi vẫn bị mụn? Tôi nay đã hơn 30 tuổi rồi. Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Cảm ơn. (Nguyễn Thị Hải, 31 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào bạn. Đúng như suy nghĩ của bạn, mụn thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì do yếu tố nội tiết. Tuy nhiên, có những trường hợp ở lứa tuổi lớn hơn (30-40 tuổi) mụn vẫn xảy ra. Điều này có thể được hiểu như sau: mụn trứng cá là do tăng tiết tuyến bã nhờn, sự sừng hóa bất thường của phễu nang lông và hiện tượng viêm nhiễm. Ở những người có lứa tuổi này, nếu bị cường androgen, cũng làm tăng tiết tuyến bã nhờn (buồng trứng đa nang, béo phì…) và hậu quả là bị mụn.
– Em hiện nay 35 tuổi có 2 con. Da mặt em hơi ngâm, trước đây không có mụn, nếu có rất ít. Hồi nhỏ giờ không có dùng thuốc trị mụn chỉ dùng một số sản phẩm trị nám. Tuy nhiên 2 tháng trở lại đây mụn nước và mụn đầu đen xuất hiện nhiều, da sạm, khô. Nhà ở xa trung tâm nên em không đi bác sĩ khám và không có dùng thuốc. Mong bác tư vấn giúp em. (võthily, 35 tuổi, trường THPT Võ Lai -Tây Giang – Tây Sơn – Bình Định)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Ly, em có hai tình trạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ là mụn và nám da nên cần có biện pháp phòng ngừa như tránh nắng, chế độ ăn uống hợp lý (nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước), tránh stress…
Tuy nhiên, với tình trạng này, bạn nên sắp xếp thời gian để đến các trung tâm da liễu khám để được bác sĩ tư vấn điều trị hiệu quả hơn.
– Chào bác sĩ! Cháu năm nay 17 tuổi, trước kia cháu ít khi bị mụn. Nhưng 3 tháng trở lại đây, mụn mọc rất nhiều ở 2 bên má. Cháu đã ăn uống hợp lý, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, béo và giữ gìn da sạch sẽ, đắp mặt nạ nhưng mụn vẫn không giảm làm cháu ngại tiếp xúc với người khác. Vậy bây giờ cháu phải làm sao? Cảm ơn bác sĩ. (Yến Nhi, 17 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào cháu. Cô rất hiểu tâm trạng của cháu, trước đây có lẽ cháu là cô gái năng động, đầy tự tin nhưng hiện nay vì mụn nên cháu e ngại tiếp xúc với người khác. Trước hết, cháu hãy để bác sĩ tư vấn cho cháu cách điều trị hiệu quả, cô chỉ góp với cháu một ý nhỏ, tuổi cháu đang là tuổi đi học vì thế cháu hãy mạnh dạn vượt qua “căn bệnh học trò“ này một cách nhẹ nhàng thôi cháu nhé.
Cháu hãy nhìn xung quanh lớp cháu, trường cháu… và thầm quan sát, đếm xem có bao nhiêu bạn đang giống như cháu, hình như cũng khá nhiều phải không cháu (nói nhỏ thôi, các bạn trai cũng bị không ít chứ không phải chỉ phe tóc dài mới bị đâu con nhé). Cô chúc con sẽ vượt qua rào cản này nhanh chóng.
– Em là nhân viên văn phòng, năm nay em 28 tuổi, hàng ngày em rửa mặt và vệ sinh rất nhiều lần nhưng vẫn bị mụn có phải do trang điểm không? Em cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thu Hương, 28 tuổi)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Thu Hương. Việc rửa mặt và vệ sinh da mặt hàng ngày là cần thiết để làm sạch nhờn và bụp bẩn giúp da đỡ mụn. Tuy nhiên, nếu vệ sinh rất nhiều lần như bạn nói có thể gây tác dụng ngược lại, vì làm cho da trở nên kích ứng và tình trạng mụn trở nên tệ hơn. Vì vậy, bạn chỉ nên rửa mặt ngày 2-3 lần hoặc là những khi ra mồ hôi nhiều.
Sử dụng mỹ phẩm trang điểm không hợp lý, không phù hợp với da nhờn – mụn cũng làm tình trạng mụn nặng hơn. Vì vậy, bạn nên có sự tư vấn từ các chuyên gia da liễu để chọn được loại mỹ phẩm phù hợp cũng như cách sử dụng đúng cách.
– Da mặt em rất thường nổi mụn trứng cá cũng như mụn bọc, em cũng từng sử dụng khá nhiều sản phẩm, đến gặp bác sĩ da liễu nhưng vẫn không có kết quả, em cũng kiêng ăn nhiều nhưng mãi không hết, em chán nản nên đã bỏ cuộc. Đến bây giờ tình trạng vẫn không cải thiện, da mặt lúc nào cũng ửng đỏ, lỗ chân lông to, đối với em đó như nỗi ám ảnh cũng là nguyên nhân khiến em thiếu tự tin, mong các chuyên gia có thể tư vấn giúp em. Em chân thành cảm ơn. (Phan Tú San, 15 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em. Cô đọc tâm sự của em thấy em rất quan tâm đến bệnh tình của mình, tuy nhiên ngoài việc ăn kiêng, em có để ý đến ăn kiêng nhưng phải được bác sĩ tư vấn để ăn cho đúng cách hay chưa.
Em cũng cần xem lại mọi hoạt động của mình xem đã hợp lý hay chưa, em có thường xuyên thức quá khuya, ngủ không ngon giấc, ít vận động, đời sống tinh thần tẻ nhạt, cô đơn, căng thẳng, bi quan… Nếu có điều nào chưa ổn, em hãy khắc phục ngay. Một khi tâm lý thoải mái, bình ổn sẽ góp phần tăng hiệu quả điều trị không nhỏ đâu em ạ. Chúc em kiên nhẫn để điều trị thành công.
– Bác sĩ cho em hỏi u nang buồng trứng có phải là nguyên nhân gây ra mụn nội tiết không ạ? (Khưu Thị Cẩm Thu, 24 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào em, u nang buồng trứng là khối u xuất phát từ buồng trứng. Hầu hết các loại u nang buồng trứng không gây mụn nội tiết. Một số rất ít u nang xuất phát từ tế bào tiết nội tiết, nếu có gây tăng tiết androgen thì mới gây ra mụn trứng cá và rậm lông.
– Cháu 22 tuổi, mới ra trường và đang xin việc. Tuy nhiên, cháu bị mụn trứng cá bọc, có mủ bên trong, da mặt cháu cứ sần sùi. Càng điều trị lại càng thấy da mặt dày lên. Cháu chán nản mỗi khi soi gương và nghĩ tại mình xấu xí nên không cơ quan nào dám nhận. Vậy cháu phải làm gì? (Trương Tú Trinh, 24 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào cháu, cô thông cảm với tâm trạng “chán nản mỗi khi soi gương và nghĩ tại mình xấu xí nên không cơ quan nào dám nhận” của cháu nhưng nếu bình tâm để quan sát cháu sẽ thấy xã hội có rất nhiều người không may bị khuyết tật nhưng họ vẫn lao động chính đáng và được các cơ quan nhận các bạn ấy vào làm việc bình đẳng như những người lao động khác (chỉ trừ một số ngành mang tính đặc thù). Họ là những người khiếm khuyết mà vẫn chứng minh được năng lực của mình và vẫn cống hiến đầy hiệu quả đó thôi. Nếu cháu có theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì sẽ gặp không ít những tấm gương vượt khó thật đáng khâm phục.
Cô hy vọng vài ý chia sẻ để cháu vững tin và hiên ngang bước vào đời. Thân mến.
– Chào bác sĩ, em năm nay 23 tuổi, một lứa tuổi vừa bắt đầu có công việc và tình cảm. Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất của em hiện giờ là hai bên mặt của em bị mụn rất nhiều, nó nổi thành từng mảng nhìn rất sợ.
Em đang đi bác sĩ để điều trị nhưng nó gây cho em nỗi ám ảnh rất lớn. Mỗi lần làm về em chẳng muốn đi đâu ngoài ở nhà, tới thời gian này thì cơ thể em cảm thấy rất mệt mỏi. Không biết có phải vì vấn đề tâm lý này mà nó kéo theo sự suy nhược cơ thể không ạ? Em cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Kim TIên, 23 tuổi)
– Chuyên gia Lý Thị Mai:
– Chào em, ngoài những nguyên nhân bệnh lý, nếu em thường xuyên sống trong trạng thái căng thẳng, lo âu thì đúng như em nói sẽ kéo theo sự suy nhược của cơ thể khiến cơ thể ngày càng mệt mỏi. Dĩ nhiên, khi mệt mỏi sẽ giảm hứng thú với mọi việc chứ không chỉ trong giao tiếp. Cách tốt nhất, có lẽ em hãy thay đổi cách sinh hoạt: chú ý rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ bạn bè, xem phim, nghe nhạc, đọc sách… để tinh thần được nhẹ nhõm. Đôi khi bộ trang phục phù hợp có thể khiến em thích thú và yêu bản thân mình nhiều hơn. Chú ý tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống sẽ có rất nhiều điều thú vị với em. Chúc em thành công.
– Tôi gặp khó khăn khi phải ghi nhớ uống thuốc vỉ nội tiết. Cách tốt nhất để ghi nhớ là gì? Tôi nên làm gì nếu tôi quên một liều? (Chi Do, 35 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
– Chào bạn, thuốc viên nội tiết hàng ngày nên sử dụng đúng giờ (có thể sai lệch trong vòng một giờ). Việc dùng thuốc mỗi ngày như thế khiến các chị em dễ quên. Khi quên thuốc thì hiệu quả tránh thai giảm và gây ra huyết bất thường. Các cách sau sẽ giúp bạn ghi nhớ khi dùng thuốc:
– Chọn thời gian trong ngày phù hợp với lịch sinh hoạt, nên chọn lúc bạn rảnh rỗi, nghỉ ngơi, chẳng hạn truốc khi đi ngủ hoặc lúc đánh răng.
– Để thuốc ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ nhớ, chẳng hạn như ở đầu giường, chỗ để bàn chải đánh răng, chỗ ngồi xem TV…
– Cài đặt điện thoại nhắc nhở giờ uống thuốc mỗi ngày.
– Trên vỉ thuốc có sẵn số thứ tự hoặc ngày thứ, nếu quên sẽ phát hiện ngay.
– Khi bạn quên một liều mà chưa quá 18 giờ, ngay khi phát hiện cần uống liền liều đã quên. Sau đó khi đến giờ của liều tiếp theo, bạn cứ uống như bình thường.
– Nếu bạn quên trên 18 giờ, bạn có thể uống 2 viên một lúc (viên đã quên và viên hiện tại phải uống), những viên sau uống như bình thường.
– Em năm nay 30 tuổi, bị mụn trứng cá nhiều năm nay có lẽ do nội tiết tố. Bác sĩ cho em hỏi em có nên sử dụng nội tiết để điều trị không. Thuốc này có lợi ích gì cho trường hợp của em không. Em đã có gia đình và hai cháu nên cũng có nhu cầu ngừa thai. (Ngọc Anh, 30 tuổi, TP HCM)
– Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào:
– Chào Ngọc Anh, trường hợp của em phù hợp với chỉ định sử dụng viên nội tiết kết hợp để điều trị mụn trứng cá. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp em tránh thai, điều hòa kinh nguyệt, giảm một số nguy cơ như ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, bệnh lý tuyến vú và một số bệnh phụ khoa khác.
Tuy nhiên, để sử dụng loại thuốc này em cần phải khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn và chỉ định phù hợp.