Trong cuộc họp ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra tại các quốc gia thu nhập kém và trung bình, một phần mười thuốc không đạt chất lượng khiến mạng sống của hàng trăm nghìn người rơi vào nguy hiểm.
Ảnh: FN. |
Theo Reuters, WHO phân tích 100 nghiên cứu từ năm 2007 đến 2016 với hơn 48.000 mẫu thuốc khác nhau. Kết quả cho thấy 10,5% số này là thuốc giả hoặc kém chất lượng. Nhờ buôn bán dễ dàng cùng sự phát triển của Internet, vấn nạn thuốc giả càng lan rộng mạnh mẽ, thu về món lời trị giá 30 tỷ USD mỗi năm.
Bị làm sai liều lượng, thành phần hoạt chất hoặc không chứa hoạt chất, thuốc giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nghiên cứu của Đại học Edinburgh (Scotland) ước tính 169.000 trẻ em chết vì viêm phổi do thuốc kháng sinh không đạt chuẩn. Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) cảnh báo thế giới sẽ có thêm 116.000 cái chết mỗi năm vì thuốc trị sốt rét vô tác dụng. Bên cạnh đó, thuốc giả còn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
“Thuốc kém chất lượng ảnh hưởng đặc biệt đến những cộng đồng dễ bị tổn thương”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. “Điều này là không thể chấp nhận”.
Trên thực tế, từ năm 2013 đến nay, WHO đã nhận được hơn 1.300 báo cáo về dược phẩm giả hoặc kém chất lượng, chủ yếu là thuốc sốt rét và thuốc kháng sinh. Giờ đây, vấn nạn thuốc giả còn tấn công sang thuốc ung thư, thuốc ngừa thai.