Home » Khỏe và đẹp » Thuốc ung thư chất lượng, giá tốt sẽ thắng đấu thầu tập trung

Thuốc ung thư chất lượng, giá tốt sẽ thắng đấu thầu tập trung

Tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến “Cơ hội giảm giá thuốc từ đấu thầu tập trung”, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia đã trả lời nhiều thắc mắc của độc giả xoay quanh các loại thuốc ung thư sẽ dùng cho 2 năm 2018-2019.

Theo ông Lê Thành Công – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, mục tiêu của đấu thầu là chọn 22 thuốc có chất lượng và giảm giá cho người dân. Thông qua đó, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia khẳng định, không có chuyện đấu thầu tập trung dẫn đến việc mua thuốc rẻ, kém chất lượng.

Nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (70% chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng). Thuốc đạt điểm kỹ thuật 80/100 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (kỹ thuật và giá) sẽ được đánh giá lựa chọn trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỷ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

– Đấu thầu thuốc tập trung có thuận lợi, khó khăn gì thưa ông? (An Đông, 27 tuổi)

– Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia:

Kính chào quý độc giả VnEpress,

Về thuận lợi, trung tâm triển khai thực hiện việc đấu thầu tập trung thuốc Quốc gia trên cơ sở có đầy đủ cơ sở pháp lý. Ngày 30/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc thành lập Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt độngcủa TTMSTT thuốc QG.(Quyết định số 1650/QĐ-BYT ngày 27/4/2017). Theo đó, Trung tâm có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế ban hành; tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục đàm phán giá theo quy định.

Quy trình các bước trong đấu thầu, đấu thầu tập trung được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Một thuận lợi nữa là trong quá trình triển khai, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế, đặc biệt là Bộ trưởng từ việc bố trí cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực, điều kiện làm việc để Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về khó khăn, công tác tổng hợp số liệu về nhu cầu thuốc từ tất cả các cơ sở y tế trong toàn quốc. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi phải rà soát, đối chiếu, mất rất nhiều thời gian công sức.

Thời gian sắp tới, trung tâm xác định công tác giám sát, điều tiết quá trình thực hiện thỏa thuận khung với các nhà thầu để đảm bảo cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế rất quan trọng. Do lần đầu tiên thực hiện nên chắc gặp khó khăn; đòi hỏi có sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối tổng hợp tại các sở y tế, y tế các bộ ngành và các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế.

thuoc-ung-thu-chat-luong-gia-tot-se-thang-dau-thau-tap-trung
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia.

– Dự trù các thuốc tại mỗi bệnh viện đa số thường khó sát với thực tế khi nhu cầu thuốc biến động trong cả năm. Vậy với các thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua bổ sung như thế nào ? (Nguyễn Thị Thương Huyền, 27 tuổi, Tp Bắc Ninh)

– Ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính:

Thực tế thời gian qua việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp, xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%. Trên cơ sở đấu thầu 5 hoạt chất này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục. 

Với các thuốc khác ngoài danh mục này, hiện nay các địa phương, các cơ sở y tế vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. 

– Vai trò của Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trong chủ trương quản lý giá thuốc hiện nay? Tại sao phải lập trung tâm mua sắm thuốc quốc gia trong khi các Sở Y tế địa phương đang tiến hành kết hợp đấu thầu tập trung tại Sở và đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện? (Mạnh Linh, 40 tuổi, Hà Nội)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Thực tế, các Sở Y tế được phép tổ chức đấu thầu tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Đến năm 2015, trên cả nước đã có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung có các cơ sở y tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố vẫn có một số trường hợp chênh lệch giá trúng thầu giữa các địa phương do nhiều yếu tố như thời gian tổ chức khác nhau, quy mô gói thầu khác nhau… Để khắc phục bất cập này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc mua tập trung và tổ chức mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia. 

Ngày 30/12/2016 Chính phủ đã có Nghị quyết số 112/NQ-CP thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế. Mục tiêu giúp khắc phục các bất cập khi tổ chức các gói thầu riêng lẻ như thời gian, chi phí tổ chức đấu thầu, giảm giá thuốc trúng thầu do gói thầu có số lượng lớn và thời gian hợp đồng dài, giúp các nhà thầu tiết kiệm được chi phí và hoạch định được kế hoạch sản xuất, cung ứng tốt hơn. Điều này cũng giúp cho người bệnh được hưởng lợi qua việc giảm chi phí tiền thuốc.

– Những thuốc nào phải tham gia đấu thầu tập trung? (Nguyễn Hoàng Long, 28 tuổi, 41/8/245 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội)

– Ông Công:

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành thông tư 09 quy định danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá. Theo đó quy định 5 hoạt chất tương ứng 22 mặt hàng thuốc được đấu thầu tập trung quốc gia.

Danh mục đấu thầu tập trung được xây dựng dựa trên tư vấn của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc, với các tiêu chí như: có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế, thuốc nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường… Chính phủ giao Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung các thuốc nằm trong danh mục đấu thầu tập trung theo thông tư 09. 

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu tập trung quốc gia này. 

thuoc-ung-thu-chat-luong-gia-tot-se-thang-dau-thau-tap-trung-1
Ông Lê Thành Công – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính.

– Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia vừa mở gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên. Theo quy định, thủ tục tiến hành đấu thầu tập trung như thế nào, từ việc lập danh mục, thẩm định mặt hàng, lên danh sách thuốc mời thầu, xây dựng giá kế hoạch, giá trúng thầu, hồ sơ dự thầu, mở thầu…? (Phong Cầm, 30 tuổi, TP HCM)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với thuốc nói chung đều tuân theo các văn bản hướng dẫn luật đấu thầu. Tôi xin trình bày các quy trình chính cụ thể như sau:

1. Xác định nhu cầu:

Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc của đơn vị. Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc từ các sở  y tế và bệnh viện trung ương, lập và trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

2. Xác định giá kế hoạch:

Trung tâm tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cập nhật và công bố trên website để làm cơ sở xây dựng đơn giá kế hoạch của từng thuốc.

Giá kế hoạch của từng thuốc là giá trúng thầu với số lượng lớn tại các cơ sở y tế trong năm 2016 của thuốc đó đã được công bố.

3. Đánh giá hồ sơ dự thầu 

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được tiến hành bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với chuyên môn phù hợp tại các bệnh viện lớn và các Vụ, Cục đảm bảo quy trình đánh giá khách quan, công khai, minh bạch. 

Nhà thầu phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, sau đó đến đánh giá kỹ thuật (tiêu chuẩn chất lượng…). Cuối cùng mới được mở đề xuất về tài chính. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (tổng hợp giữa kỹ thuật và giá) sẽ được đưa vào thương thảo để ký thỏa thuận khung. Trên cơ sở kết quả thảo thuận khung, mới tiến hành phê duyệt lựa chọn nhà thầu quy định.

Do vậy, không thể có việc mua sắm tập trung dẫn đến mua thuốc rẻ, kém chất lượng.

– Thưa ông, nếu tập trung mua sắm thuốc như vậy, thì sẽ sử dụng tiêu chí nào để đánh giá lựa chọn, chất lượng hay giá cả? Và xin hỏi thêm một câu nữa, kết quả đấu thầu này có được công khai hay không? (Tran Tran, 28 tuổi, 37 Thanh Thai)

– Ông Lê Thành Công:

Thông tư 11 quy định rất chặt chẽ các tiêu chí về lựa chọn đấu thầu thuốc để bảo đảm chất lượng thuốc phù hợp với gia. Cụ thể, việc chia nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật quy định rõ tiêu chí, thang điểm kỹ thuật trong mẫu Hồ sơ mời thầu.

Phương thức lựa chọn nhà thầu là đánh giá các tiêu chí về mặt kỹ thuật trước (bao gồm các tiêu chí đánh giá chặt chẽ về chất lượng), chỉ có nhà thầu có các thuốc đáp ứng yêu cầu về mặt tiêu chí kỹ thuật mới được mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính.

Phương pháp đánh giá kết hợp giữa kỹ thuật và giá, tính điểm tổng dựa trên điểm kỹ thuật và điểm về giá, không phải trúng thầu dựa trên giá thấp nhất. 

Trong quá trình thực hiện quy trình đấu thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch. Như vậy, giá thuốc trúng thầu sẽ phải phù hợp với nhóm tiêu chí kỹ thuật hay nói cách khác là phải phù hợp với chất lượng thuốc, giá hợp lý. 

Trung tâm đấu thầu tập trung quốc gia đang tiến hành thương thảo với các nhà thầu, ký thỏa thuận khung và sẽ sớm phê duyệt. Theo quy định của luật đấu thầu, kết quả phê duyệt đấu thầu sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. 

thuoc-ung-thu-chat-luong-gia-tot-se-thang-dau-thau-tap-trung-2

Những thắc mắc về giá dược phẩm, thuốc tốt, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, cơ hội giảm giá thuốc từ hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia… được ông Dũng giải đáp cặn kẽ.

– Những thuốc nào sẽ nằm trong danh mục đấu thầu quốc gia?

Các bệnh viện tuyến tỉnh muốn mua những thuốc đó có bị hạn chế số lượng hay không, nếu bị hạn chế thì Cục Quản lý Dược có quy định gì? (Hà Sinh Khương, 32 tuổi, Bắc Giang)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Lần đầu tiên thực hiện, Trung tâm tiến hành đấu thầu tập trung với 5 hoạt chất thuốc ung thư. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung lần đầu tiên do Bộ Y tế ban hành trong Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016. Cơ sở tiêu chí lựa chọn: Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và phù hợp với năng lực, khả năng tổ chức đấu thầu của trung tâm mua sắm tập trung cấp quốc gia.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các cơ sở y tế đảm bảo nhu cầu thuốc điều trị đến 31/12/2017 theo kết quả đấu thầu của sở y tế tỉnh hoặc các cơ sở y tế từ trước. Kể từ ngày 1/1/2018, các đơn vị sẽ áp dụng kết quả từ đấu thầu tập trung quốc gia. Trường hợp mua bổ sung, được phép mua bổ sung không vượt quá 120% lượng dự trù, ngoài ra có cơ chế điều tiết số lượng thuốc từ cấp sở đến quốc gia. 

– Lí do giảm được giá thuốc từ đấu thầu tập trung là gì? (Phan Thi Thu Huong, 45 tuổi, 173 Xuân Thuỷ, Cầu giấy , HN)

– Ông Lê Thành Công:

Việc triển khai thành công mua sắm tập trung thuốc ở cấp quốc gia sẽ giúp khắc phục các bất cập khi tổ chức các gói thầu riêng lẻ như thời gian qua, chi phí tổ chức đấu thầu, đồng thời sẽ giúp giảm giá thuốc trúng thầu trên phương diện quy mô kinh tế do gói thầu có số lượng lớn và thời gian hợp đồng dài hơn, giúp các nhà thầu tiết kiệm được các chi phí và hoạch định được kế hoạch sản xuất, cung ứng tốt hơn. Điều này cũng giúp cho người bệnh được hưởng lợi qua việc giảm chi phí tiền thuốc.

Với các nhà thầu: không phải tốn thời gian, nhân lực và chi phí để tham gia hàng trăm gói thầu trên cả nước, đồng thời số lượng thuốc đấu thầu tập trung lớn, thời gian hợp đồng dài hơn so với đấu thầu riêng lẻ, nhà thầu có được kế hoạch sản xuất, cung ứng dài hạn do đó sẽ có nhiều cơ hội để giảm giá.

Với các cơ sở y tế: việc mua sắm thông qua đơn vị mua sắm tập trung sẽ giúp các cơ sở y tế trên cả nước không phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ, qua đó giúp giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu.

Đơn vị mua sắm tập trung: tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, đồng thời góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thuốc trúng thầu do mua sắm với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, hình thức đấu thầu này cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng chênh lệch giá giữa các cơ sở y tế, các tỉnh. 

– Kết quả của lần đấu thầu đầu tiên cấp quốc gia ra sao thưa ông? (Kiều An, 36 tuổi, Hà Nam)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Kết quả là trung tâm đã đấu thầu cho 5 hoạt chất ung thư (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 biệt dược và 17 mặt hàng thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018-2019.

Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu sắp hoàn thành. Kết quả cụ thể sẽ công bố sau khi Trung tâm hoàn thành việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết thỏa thuận khung với các nhà thầu.

thuoc-ung-thu-chat-luong-gia-tot-se-thang-dau-thau-tap-trung-3

Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia với kỳ vọng giúp quản lý giá dược phẩm tại Việt Nam.

– Quy trình đấu thầu tập trung có được kiểm toán hay không? Làm sao để kiểm soát các tiêu cực nếu Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia không bị giám sát? (Nguyễn Hoàng Hà, 29 tuổi, 180 Nguyễn Công Trứ p.Nguyễn Thái Bình Q1 TPHCM)

– Ông Lê Thành Công:

Hiện nay Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia đang trong quá trình mua sắm. Sau khi tổ chức mua sắm theo quy định thì việc kiểm toán chúng tôi tuân thủ nghiêm theo quy định hiện hành. 

Theo quy định của luật đấu thầu, việc tổ chức thực hiện đấu thầu phải được thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Ví dụ, tổ chuyên gia xây dựng hồ sơ mời thầu phải độc lập với tổ thẩm định hồ sơ mời thầu; tổ đánh giá lựa chọn nhà thầu phải độc lập với tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, đối với quy định đấu thầu thuốc thì có đại diện của Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng liên quan tham gia trong tất cả các khâu. 

– Tôi là một doanh nghiệp kinh doanh dược. Tôi xin được hỏi căn cứ chấm điểm các hồ sơ mời thầu gồm những gì; yếu tố về giá chiếm tỷ lệ bao nhiêu? (Mạnh Hà, 37 tuổi, Hà Nội)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Nhà thầu phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, sau đó đến đánh giá kỹ thuật (tiêu chuẩn chất lượng…). Cuối cùng mới được mở đề xuất về tài chính. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (tổng hợp giữa kỹ thuật và giá) sẽ được đưa vào thương thảo để ký thỏa thuận khung. 

Nhà thầu khi được lựa chọn trúng thầu phải có đủ năng lực và tài chính đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trước khi quyết định lựa chọn nhà thầu, trong khi thương thảo hợp đồng, trung tâm mua sắm thuốc quốc gia yêu cầu nhà thầu chứng minh: Khả năng đáp ứng đủ số lượng thuốc dự thầu; phương án khả thi để tổ chức phân phối, giao hàng tại các cơ sở y tế theo đúng nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Nếu nhà thầu không đáp ứng đủ số lượng thuốc dự thầu hoặc không có phương án khả thi để tổ chức phân phối giao hàng kịp thời thì trung tâm sẽ mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo.

Trên cơ sở kết quả thảo thuận khung, mới tiến hành phê duyệt lựa chọn nhà thầu quy định. 

Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (chất lượng chiếm 70%, đóng gói, bảo quản, giao hàng chiếm 30%). Tổng các tiêu chí điểm kỹ thuật không thấp hơn 80 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính. 

Điểm tổng hợp giữa kỹ thuật và giá được dùng để đánh giá lựa chọn thuốc trúng thầu. Trong đó, yếu tố giá chiếm tỷ lệ 70%, điểm kỹ thuật chiếm 30%. 

– Phương thức đấu thầu giá thuốc sẽ là cơ hội rất tốt để giá thuốc nhập ngoại giảm mạnh, người bệnh sẽ tiết giảm được gánh nặng chi phí chữa bệnh, bảo hiểm tiết kiệm được ngân sách. Xong phương thức làm này kéo dài được bao lâu? Và còn kẽ hở nào cho việc xin cho nhà thầu hay không? (Đinh văn hậu, 50 tuổi, Hưng Hà Thái Bình)

– Ông Lê Thành Công:

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai đấu thầu tập trung quốc gia lần đầu tiên mục tiêu giảm giá thuốc đầu thầu 10-15% như theo chỉ đạo của Chính phủ. Dựa trên kết quả lần đấu thầu này và kinh nghiệm đã triển khai thực hiện, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Danh mục đấu thầu tập trung quốc gia gồm các thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế, thuốc nhiều số đăng ký; thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường…

Việc thực hiện đấu thầu tập trung đảm bảo đúng quy trình, quy định, công khai minh bạch có sư tham gia giám sát đầy đủ của các bên.  

thuoc-ung-thu-chat-luong-gia-tot-se-thang-dau-thau-tap-trung-4
Hàng trăm câu hỏi được chuyển tới 2 khách mời trong buổi tư vấn trực tuyến

– Khi triển khai đấu thầu tập trung, gần đây các sở y tế tuyến tỉnh có xu hướng lựa chọn ưu tiên thuốc generic, chỉ 10-20% thuốc biệt dược gốc. Điều đó dẫn tới thuốc được sử dụng trong bệnh viện không hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt bệnh  nhân nặng. Các bác sĩ điều trị trên lâm sàng thấy được sự khác biệt lớn, tuy nhiên rất khó chứng minh chênh lệch hiệu quả giữa thuốc biệt dược gốc với thuốc generic khi 2 thuốc cùng hoạt chất, tác dụng và điều kiện phục vụ bác sĩ thực hiện nghiên cứu so sánh chuyên sâu thì ko thuận lợi. Vậy giải pháp nào về phía các cấp quản lý để hỗ trợ bác sĩ trong vấn đề này? (Nguyễn Thị Thương Huyền, 27 tuổi, Tp Bắc Ninh)

– Ông Lê Thành Công:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất về cơ cấu giữa biệt dược gốc và các thuốc generic nhóm 1. 

Về vấn đề này, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về mua biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền thông qua đấu thầu rộng rãi. Để đảm bảo thuốc biệt dược gốc phục vụ nhu cầu điều trị, trước mắt Bộ Y tế dự kiến tiến hành thí điểm đàm phán giá thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Trường hợp các thuốc này đàm phán giá không thành công sẽ đưa vào quy định đấu thầu rộng rãi các nhóm 1 (nhóm có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất hiện nay, có thể thay thế biệt dược gốc để điều trị) đã có nhiều số đăng ký. 

Việc triển khai đàm phán giá các thuốc biệt dược gốc đảm bảo bác sĩ có thuốc biệt dược gốc phục vụ nhu cầu điều trị và đồng thời tiết giảm chi phí gói thầu biệt dược gốc. Bộ Y tế đã giao Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đàm phán giá đối với các thuốc này theo lộ trình và kết hoạch thực hiện của Hội đồng đàm phán giá thuốc. 

– Theo thông tư 11/2016/TT-BYT về đấu thầu thuốc, gói thầu Generic được chia làm 5 nhóm. Vậy khi đấu thầu tập trung cấp quốc gia có chia các nhóm thuốc theo thông tư 11/2016/TT-BYT hay không? (Quynh Huong, 46 tuổi, Son Tay – Ha Noi)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia cũng được chia thành 5 nhóm theo tiêu chí kỹ thuật được quy định tại Thông tư 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016. 

– Tác động của việc này đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế thế nào?

Liệu rằng điều này có làm các nhà nhập khẩu thuốc giảm chất lượng thuốc (tuy vẫn đủ thành phần) để cạnh nhau về giá, dẫn đến quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế sẽ bị cắt xén? (Hoàng Tùng, 31 tuổi, Quận 1, TP HCM)

– Ông Nguyễn Trí Dũng:

Mục tiêu của đấu thầu thuốc tập trung quốc gia là chọn thuốc có chất lượng và giảm giá thuốc cho người bệnh. Thông qua đó, sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời hỗ trợ cho bệnh nhân bảo hiểm y tế đồng chi trả.

Theo quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, hệ thống kiểm nghiệm (các Viện kiểm nghiệm trung ương và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc) thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành).

Theo quy trình đấu thầu mua thuốc, phải qua giai đoạn đánh giá tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc đạt yêu cầu, cuối cùng mới chuyển sang bước đánh giá về giá để lựa chọn mặt hàng trúng thầu. Liên quan tới vấn đề này, Luật đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 đã bổ sung yếu tố kỹ thuật, chất lượng thuốc vào điểm đánh giá tổng hợp để xét duyệt mặt hàng trúng thầu.

Thực tế, trước những ý kiến trước đây cho rằng thuốc trúng thầu giá thấp, không đảm bảo chất lượng tại TP HCM, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% thuốc trúng thầu năm 2013-2014 tại Sở Y tế TP HCM. Kết quả cho thấy, đều đạt yêu cầu về chất lượng.

Mai Thương