Home » Khỏe và đẹp » Thủy đậu tấn công người lớn ở Hà Nội

Thủy đậu tấn công người lớn ở Hà Nội

Chị Thư khám tại Bệnh viện E (Hà Nội) ngày 6/2 trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước ở mặt và lan toàn thân, đau đầu, mệt mỏi. Bệnh nhân phải nhập viện điều trị và theo dõi biến chứng thủy đậu. Trước đó chị chăm sóc con (2 tuổi) mắc thủy đậu và bé nay đã được điều trị khỏi bệnh.

Hiện chị Thư vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, có nốt mới mọc…

thuy-dau-tan-cong-nguoi-lon-o-ha-noi

Người lớn mắc thủy đậu thường nặng và dễ biến chứng hơn trẻ. Ảnh: T.X.

Trước đó, ngày 4/2, một nam bệnh nhân 23 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm mắc thủy đậu cũng phải nhập viện, bỏng nước nổi toàn thân. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với một bé 4 tuổi bị thủy đậu.

Trong một tháng qua khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện E tiếp nhận hơn 20 ca thủy đậu. Theo bác sĩ Vũ Mạnh Cường, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân. Trẻ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Bác sĩ Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do virus varicella zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua đồ vật. Mới đầu, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Bệnh xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên.

Bệnh kéo dài 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch suốt đời và ít khi bị lại lần hai. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tái nhiễm có hay không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân, kéo dài sang hè.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng cần chú ý để tránh không bị lây bệnh. Những đồ dùng như quần áo, khăn mặt của người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là ủi. Người lớn có thể lây bệnh của trẻ hoặc trở thành trung gian truyền bệnh.

Đây là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, có thể có các biến chứng khác như viêm phổi, não, tiểu não…

Nếu thấy nốt phỏng dạng nước đục chứ không trong, nghĩa là có bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ mắc thủy đậu mà ho, sốt tăng trở lại, đau đầu, nôn, chậm chạp hơn… thì cần đưa đến bệnh viện, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Phương Trang