Plasma trạng thái thứ tư của vật chất, bên cạnh rắn, lỏng, khí. Tia plasma lạnh áp suất khí quyển (CAP) lần đầu tiên được đưa vào hỗ trợ điều trị vết thương hở năm 2005 tại Đức.
Công nghệ này bắt đầu được phát triển rộng từ năm 2010 để hỗ trợ điều trị viêm da, chàm, ngứa, trứng cá, vảy nến… Ngoài ra, còn ứng dụng trong thẩm mỹ (nám, sạm da…); nha khoa (viêm nướu, tủy răng…); tai mũi họng (viêm tai, xoang…).
Năm 2011, Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng, một du học sinh Đức đã mang công nghệ này về nghiên cứu tại Việt Nam. Đến năm 2015, plasma được đưa vào thử nghiệm điều trị vết thương hở nhiễm khuẩn trên 36 bệnh nhân tại 3 bệnh viện lớn (Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP HCM).
Theo Tiến sĩ Tùng, plasma hỗ trợ chữa lành vết thương qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, tia phá hỏng DNA của vi khuẩn để tiêu diệt chúng, mà không gây hại cho mô. Sau đó, nó tiếp tục kích thích tái tạo mô làm liền vết thương. Ổ loét, vết thương hở thường giảm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, sạch khuẩn sau 2-3 lần, liền lại sau khoảng 5-10 lần.
Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng thử nghiệm chiếu tia plasma lên da. |
Thiết bị sử dụng nguyên lý hồ quang trượt sẽ ion hóa khí trơ Agon thành plasma. Quá trình này tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím đều có khả năng diệt khuẩn. Chúng kết hợp với tốc độ gia nhiệt trong thời gian ngắn, làm tăng khả năng kháng khuẩn, nấm, virus; chống viêm và chữa lành vết thương.
Đặc biệt, plasma có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy, loại tia này diệt được trực khuẩn mủ xanh trong môi trường nuôi cấy, chỉ sau 10 giây chiếu tia.
Plasma lạnh không chỉ diệt khuẩn, mà còn kích thích vết thương tăng sinh tổ chức hạt, tăng tốc độ biểu mô hóa, giúp ổ loét nhanh liền hơn. Các gốc hoạt tính như NO được hình thành khi chúng tiếp xúc với không khí, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, kích thích quá trình liền vết thương.
Nhờ cơ chế này, plasma được dùng để điều trị các vết thương chậm lành như chàm, vết bỏng, loét biến chứng tiểu đường, loét mỏn cụt chi, loét do nằm tì đè, hoặc vết thương lâu liền ở người cao tuổi, vết mổ đẻ nhiễm khuẩn…
Thử nghiệm tiền lâm sàng tại Viện Bỏng Quốc gia và thử nghiệm lâm sàng trên 33 bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy: sau khi xử lý bằng công nghệ mới, vết bỏng, vết loét nhanh liền hơn, để lại sẹo phẳng và chỉ bị co kéo nhẹ.
Thiết bị cũng được Viện Vật lý – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam công nhận phát ra tia plasma lạnh tương đương với các nước tiên tiến; Bộ Y tế cấp phép lưu hành; Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền.
Đến nay, hơn 50 bệnh viện trên cả nước đang sử dụng công nghệ điều trị vết thương bằng tia plasma lạnh, thay cho thuốc kháng sinh. Phương pháp mới hiện có chi phí thấp hơn các loại kháng sinh đắt tiền, mỗi phút chiếu giá khoảng 30.000 đồng. Vết bỏng, loét nhiễm trùng, viêm xương gót chân… có thể lành sau vài lần chiếu tia plasma lạnh, mỗi lần 1-2 phút.
Theo Tiến sĩ Tùng, trên thế giới hiện có 4 thiết bị plasma lạnh ở Đức, Israel và Anh đạt chứng chỉ chất lượng CE của châu Âu. Anh cùng cộng sự đang gấp rút hoàn thành thủ tục để châu Âu chấp nhận cỗ máy plasma lạnh của Việt Nam.
An San