“Đó là một gánh nặng khổng lồ”, giáo sư Devi Sridhar từ Đại học Edinburgh (Anh) nhận định về trách nhiệm của người sẽ tiếp quản vị trí của bà Margaret Chan, Giám đốc WHO đương nhiệm. “Cải thiện sức khỏe toàn cầu bao gồm rất nhiều thứ, từ sức khỏe tâm thần đến sốt rét, thương tích không chủ ý và ung thư”.
Nhận mức lương 241.000 USD mỗi năm, giám đốc mới sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn như điều hành hoạt động với ngân sách ít ỏi bằng một phần ba số tiền chính phủ Mỹ dành cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh (CDC); nỗ lực lấy lại vị thế, uy tín đã đánh mất sau việc xử lý chậm trễ đại dịch Ebola năm 2014 và kết nối 194 nước thành viên thuộc Liên Hiệp Quốc.
Hiện cuộc chạy đua cho chiếc ghế giám đốc WHO còn 3 ứng viên:
– Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cựu Bộ trưởng Y tế và Ngoại giao Ethiopia.
– Bác sĩ Sania Nishtar, người thành lập tổ chức Heartfelt có nhiệm vụ cải thiện hệ thống sức khỏe tại Pakistan.
– Bác sĩ David Nabarro, cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các mục tiêu phát triển bền vững, cựu đặc phát viên Ebola.
Cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Hội nghị Y tế Thế giới thường niên ở Geneva (Thụy Sĩ). Ứng viên được bầu có nhiệm kỳ ít nhất 5 năm.
WHO thành lập vào năm 1948, được miêu tả là “người giám hộ toàn cầu về sức khỏe cộng đồng” với mục tiêu đảm bảo “mức độ sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người”. Điều đó đồng nghĩa với việc quét sạch bệnh hiểm nghèo, đối mặt với sự gia tăng về tỷ lệ béo phì và tiểu đường, giảm số lượng người chết trên đường phố cũng như giữ mạng sống cho mẹ con lúc sinh nở.
6 thành tựu lớn của WHO Năm 1979: Tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn, tiêu diệt hoàn toàn bệnh đậu mùa. Năm 1995: Đưa ra chiến lược kiểm soát bệnh lao, nhờ đó cứu sống hơn 35 triệu người. Năm 2006: Lần đầu tiên giảm tỷ lệ trẻ tử vong trước 5 tuổi xuống dưới 10 triệu. Năm 2008: Củng cố tập trung vào các bệnh như tim mạch và ung thư. Năm 2014: Công nhận Ebola là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Năm 2016: Xác nhận virus Zika gây tổn thương não ở trẻ được sinh ra bởi mẹ nhiễm bệnh. |
Minh Nguyên