Là kình ngư hàng đầu thế giới với 82 huy chương quốc tế, Michael Phelps có cuộc sống bao người khao khát. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang của một nhà vô địch, vận động viên 32 tuổi đã trải qua quãng thời gian vật lộn với lo âu, trầm cảm cùng ý nghĩ tự sát.
Chia sẻ với phóng viên CNN tại hội nghị sức khỏe tâm thần ở Chicago (Mỹ), Phelps cho biết chìa khóa tạo nên một nhà vô địch vô cùng đơn giản: “Đó là sự chăm chỉ, quyết tâm, không từ bỏ”.
Siêu kình ngư xuất thân từ Baltimore kể rằng năm 2000, lần đầu dự Thế vận hội, anh đã nếm mùi vị thất bại chỉ vì kém hơn đối thủ “chưa đầy nửa giây” và phải chấp nhận ra về tay trắng. Ghi nhớ cảm giác thua cuộc, Phelps dồn hết sức lực tập luyện để rồi phá vỡ kỷ lục thế giới, giành huy chương vàng Olympic Athens 2004 khi mới 15 tuổi. “Tôi khao khát chiến thắng và muốn nhiều hơn thế nữa. Tôi muốn thúc đẩy bản thân xem giới hạn của mình đến đâu”, Phelps nói.
Michael Phelps từng trải qua chuỗi ngày bị hành hạ bởi trầm cảm. Ảnh: Denver Post. |
Tham vọng luôn đi cùng một cái giá. Kết thúc mỗi kỳ Thế vận hội, anh lại bị trầm cảm. “Tôi nhận ra có điều gì đó không đúng đối với cảm xúc của mình vào các khoảng thời gian nhất định trong năm, chủ yếu đầu tháng 10 hoặc tháng 11”, Phelps kể. “Dường như đợt trầm cảm đầu tiên bắt đầu vào năm 2004”.
Cũng năm 2004, Phelps bị bắt vì lái xe khi sử dụng chất kích thích. Năm 2008, vài tuần sau khi giành tám huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh, hình ảnh nhà vô địch hút thuốc bị phát tán khắp nơi. Phelps phải lên tiếng xin lỗi đồng thời gọi đây là hành động “đáng tiếc”.
Tinh thần Phelps dần xuống dốc. Anh sử dụng chất kích thích để chạy trốn. Đến Olympic 2012, siêu kình ngư hoàn toàn gục ngã. “Tôi không muốn chơi thể thao nữa. Tôi không muốn sống nữa”, Phelps rùng mình nhớ lại.
Tuyệt vọng, Phelps tự giam mình trong phòng ngủ nhiều ngày, không ăn, ngủ rất ít và nghĩ đến việc tự tử. May mắn, anh cuối cùng cũng nhận ra mình cần được trợ giúp.
Ngày đầu tiên đi trị liệu, khác với sự mạnh mẽ thường thấy nhà vô địch huyền thoại, Phelps run rẩy không ngừng. Sáng hôm ấy, y tá gọi anh dậy lúc 6h và yêu cầu: “Hãy nhìn vào bức tường rồi nói cho tôi biết anh cảm thấy điều gì”. Tức giận trước đòi hỏi có vẻ vô lý, Phelps lớn tiếng: “Cô nghĩ thế nào chứ, tôi kiệt sức, tôi không hạnh phúc, tôi đâu phải là người thích dậy vào buổi sáng”.
Chính từ khoảnh khắc ấy, Phelps học được cách nói ra cảm xúc, tâm sự của mình. Nhờ đó, cuộc sống bỗng trở nên dễ dàng hơn. “Tôi tự hỏi sao mình không làm điều này từ sớm”, kình ngư nói.
Trải qua chuỗi ngày khó khăn, Phelps hiểu rằng con người có quyền cảm thấy không ổn. Anh nhận định tỷ lệ tự tử trên toàn thế giới tăng cao chính là vì cộng đồng còn sợ mở lòng. Nếu chịu hiểu rằng bệnh tâm thần thực sự tồn tại và sẵn sàng trao đổi về nó, chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi.
Hiện nay, để giúp những người chung cảnh ngộ, Phelps đưa kế hoạch quản lý stress vào các chương trình do Quỹ Michael Phelps tài trợ đồng thời chủ động chia sẻ câu chuyện của bản thân. “Cảm xúc khi bạn chạm tới trái tim ai đó còn quý giá hơn cả chiến thắng huy chương vàng Olympic”, kình ngư bộc bạch. “Tôi thấy biết ơn vì ngày trước đã không tự kết thúc cuộc sống của mình”.
Michael Fred Phelps II sinh ngày 30/6/1985 tại Baltimore, Maryland (Mỹ) là vận động viên bơi lội chuyên nghiệp nổi tiếng. Anh được xếp vào danh sách các vận động viên vĩ đại nhất Olympic với 28 huy chương các loại. Phelps cũng đang là người giữ kỷ lục nhiều huy chương vàng nhất lịch sử Thế vận hội (23 chiếc), kỷ lục nhiều huy chương vàng nhất trong nội dung cá nhân (13 chiếc), kỷ lục nhiều huy chương nhất trong nội dung cá nhân (16 chiếc). Bằng việc đoạt tám huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh 2008, anh phá kỷ lục của Mark Spitz về số lần đứng đầu nội dung cá nhân (7 lần). |