Ngày 26/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đang có 6 trẻ thở máy vì viêm não Nhật Bản. Từ đầu năm nơi này tiếp nhận 25 ca dương tính với viêm não Nhật Bản, chiếm 50% số ca bệnh viêm não của khoa. Lượng bệnh nhân thở máy nhiều hơn, di chứng nhiều hơn năm trước. Đôi lúc trẻ phải nằm tạm ở khoa Cấp cứu vì khoa Nhiễm không còn giường hồi sức thở máy. Bệnh thường gặp từ tháng 6 đến tháng 10.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, đa số trẻ viêm não Nhật Bản hôn mê sâu và phải thở máy, việc điều trị vô cùng vất vả. Tuy đã giảm được tỷ lệ tử vong nhưng vẫn chưa giảm được di chứng. Khoảng 60% trẻ hồi phục bình thường, 30% nguy cơ di chứng nặng nề, 10% có thể tử vong.
“Di chứng thường gặp là trẻ thở máy kéo dài, viêm phổi, khi xuất viện trở về có thể sống đời thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, yếu liệt chi…”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Có nhiều trẻ phải lệ thuộc máy thở cả năm vẫn chưa cai được.
Trẻ điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.P. |
Trẻ viêm não thường biểu hiện ban đầu giống với khá nhiều bệnh là sốt, nhức đầu, nôn ói. Sau đó trẻ sẽ diễn tiến co giật, hôn mê, đôi khi tiến triển nhanh ngay trong ngày đầu tiên. Theo bác sĩ Khanh, sau khi trẻ có dấu hiệu thay đổi tri giác, hôn mê thì mới thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán. Cha mẹ cần theo dõi kỹ, khi thấy trẻ sốt, nôn ói càng lúc càng tăng thì phải để ý đến các dấu hiệu thần kinh để có thể can thiệp kịp thời. Trẻ cần vào viện để điều trị, thở máy sớm giúp hạn chế di chứng.
Ở miền Nam, viêm não Nhật Bản gặp nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh lây từ muỗi Culex, còn gọi là muỗi ruộng, qua trung gian truyền bệnh là lợn, chim nên thường xuất hiện nhiều ở những vùng nông thôn trồng lúa, nuôi lợn. Bệnh không lây từ người qua người.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng vắcxin, cần chích đủ 3 mũi. Nhiều người chỉ chích 2 mũi, quên nhắc lại mũi 3 nên không hiệu quả. Tạo thói quen ngăn ngừa và diệt muỗi.