Kết quả điều tra mới nhất (2014-2015) về tình trạng trẻ thừa cân béo phì được tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, công bố tại hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em, ngày 18/10.
Tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Từ năm 1980-2013, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.
Chỉ tính riêng TP HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ gần 12% (năm 2002) lên 22% (năm 2009).
Ăn quá nhiều thức ăn nhanh, cộng thêm lối sống tĩnh tại, ít vận động khiến nhiều trẻ bị béo phì. Ảnh: S.N. |
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cảnh báo tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến “trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu”.
Theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trong khi đó thực tế 30% bà mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân nữa bởi “sợ con ốm, mọi người sẽ chê cười”.
Thừa cân béo phì gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, là nguyên nhân của nhiều bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư… Tuy nhiên, người Việt vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ từ béo phì.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Xu hướng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia dẫn chứng, một nghiên cứu trên học sinh tiểu học ở Hải Phòng cho thấy, trẻ uống nước giải khát 1-3 lần mỗi ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì 2-6 lần; ăn các thực phẩm giàu đường mật hàng ngày trẻ tăng nguy cơ thừa cân béo phì gấp hai lần.
Vì thế, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi để phòng chống béo phì trẻ em là khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao tại trường. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh cấu trúc bữa ăn học đường cho học sinh; không khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên. Trẻ cần hoạt động trung bình 60 phút mỗi ngày. Bé dưới hai tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới hai giờ mỗi ngày hoặc dưới 14 giờ mỗi tuần. Bên cạnh đó trẻ cần ngủ đủ, giai đoạn 0-5 tuổi bé ngủ đủ 11 giờ mỗi ngày; 5-10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày; trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ một ngày.