Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm gan virus là một trong những bệnh được mệnh danh kẻ giết người thầm lặng, gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề y tế công cộng lớn. Ước tính nước ta có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B và một triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B dao động 6-20% tùy từng vùng, đặc biệt cao ở vùng sâu vùng xa khó khăn. Tương tự, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C dao động 0,4-4%; ở những nhóm nguy cơ cao như: nghiện chính ma túy, tình dục đồng giới có thể lên tới 60%. Vì thế, gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam rất lớn, hàng năm có hàng nghìn người tử vong do 2 bệnh này.
Trẻ được tiêm văcxin viêm gan B mũi sơ sinh. Ảnh: N.P. |
Trong khi đó, bệnh viêm gan virus B hoàn toàn có thể dự phòng được với hiệu quả cao bằng việc tiêm phòng văcxin. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai, 10% số này bị viêm gan B (có HBsAg dương tính). Các chuyên gia ước tính nếu không được tiêm chủng, hơn 60.000 trẻ chào đời sẽ bị bệnh viêm gan mãn tính – chiếm khoảng 38% số trẻ. Trong số này 25% sẽ có khả năng bị xơ gan, ung thư gan. Đây là con số rất đáng báo động.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhưng do bố mẹ lo ngại tai biến cho con nên tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B mũi sơ sinh không được như mong đợi. Vùng cao nhất chỉ đạt 65%, trung bình cả nước là 60% trong khi yêu cầu phải đạt 70%. Tỷ lệ rất lớn trẻ không được tiêm phòng trong vòng 24 giờ đầu, thứ trưởng Long cho biết.
Trong khi đó nếu được tiêm dự phòng trong vòng 24 giờ đầu thì 90% trẻ sinh ra sẽ không bị viêm gan virus B, nếu tiêm trong vòng 7 ngày hiệu quả này chỉ còn 50%.
Bên cạnh đó, 90% người mang virus viêm gan B không biết mình bị nhiễm, 80% không biết viêm gan C. Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh viêm gan virus B hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng văcxin và có thuốc điều trị làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống sót lâu dài. Trong khi đó, viêm gan C dù chưa có văcxin dự phòng nhưng việc điều trị đã có những tiến bộ vượt bậc, trên 90% người mắc viêm gan virus C được điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận với các thuốc mới này vẫn còn khó khăn đối với rất nhiều người bệnh mắc viêm gan C do chi phí điều trị cao.
Nhân ngày Viêm Gan thế giới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy bảo vệ mình và gia đình khỏi căn bệnh viêm gan virus, đảm bảo thế hệ con cháu không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, cần chủ động xét nghiệm kiểm tra viêm gan virus để được điều trị sớm. Các thầy thuốc bảo đảm người bệnh được cung cấp dịch vụ an toàn; tránh lây nhiễm trong quá trình khám chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo “Loại trừ viêm gan: hãy phòng lây nhiễm; xét nghiệm; tiêm an toàn và hãy điều trị”.