Home » Khỏe và đẹp » Tư vấn trực tuyến cách phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Tư vấn trực tuyến cách phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Độc giả gửi câu hỏi tại đây

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, 80% phụ nữ đã quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm virus gây u nhú HPV (nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung) tại một thời điểm nào đó trong đời. Nếu nhiễm dai dẳng HPV, có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Đây là loại ung thư phụ khoa phổ biến hàng thứ 2 ở phụ nữ. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 14 ca mắc mới và 7 người chết do căn bệnh này.

Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh không có triệu chứng. Chị em không thể phát hiện các tế bào ung thư đang nhen nhóm trong cơ thể, nếu không khám phụ khoa và làm các xét nghiệm cần thiết. Khi thấy chảy máu âm đạo bất thường, huyết trắng lẫn máu nhầy, đau vùng chậu…, bệnh đã ở giai đoạn nặng. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn muộn chỉ dưới 10%.

Có hơn một trăm chủng HPV khác nhau. Trong đó, 14 chủng nguy cơ cao gây nên 99% ca ung thư cổ tử cung, hơn 70% trường hợp do HPV 16 và 18. Phụ nữ nhiễm 2 chủng nguy cơ cao này có khả năng phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung cao gấp 35 lần bình thường.

[Caption]

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (trái) và Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương – Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM (phải) sẽ trả lời câu hỏi của độc giả vào 14h ngày 18/10 trên VnExpress.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương – Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM cho biết: “Trước đây những biện pháp thường được sử dụng để xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung gồm: xét nghiệm tế bào học (Pap smear), xét nghiệm VIA (quan sát cổ tử cung bằng acid acetic). Tuy nhiên, Pap Smear có thể bỏ sót 50% các tổn thương tiền ung thư. Vì vậy, có đến 30% phụ nữ vẫn mắc ung thư cổ tử cung dù kết quả xét nghiệm Pap trước đó bình thường. Hiện nay, bước tiến mới trong sàng lọc bệnh là phương pháp xét nghiệm HPV DNA, giúp phát hiện từ sớm các chủng HPV nguy cơ cao”.

Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear là thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung hơn 70 năm qua. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ phát hiện sự hiện diện của những tế bào bất thường, nhưng chưa phải là ung thư trong cổ tử cung, có độ nhạy thấp khoảng 50-70%. Bên cạnh đó, xét nghiệm phát hiện triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân gây bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh cho biết: “HPV DNA là phương pháp mới, được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt là xét nghiệm chính ban đầu (xét nghiệm đầu tay) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. HPV DNA giúp phát hiện sự hiện diện virus HPV trong tế bào cổ tử cung, ngay cả khi chưa có thay đổi của tế bào.

Phụ nữ tuổi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung, xét nghiệm gì phù hợp, lợi ích khi xét nghiệm, hậu quả bệnh, chi phí bao nhiêu… sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể hơn vào 14h ngày 18/10 trên VnExpress.

An San