Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 với 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình một người cao tuổi mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa; hơn 8% cụ phải sống một mình; chỉ gần 18% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ suýt soát 538.000 đồng một tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.
Trong số này, chỉ gần 63% cụ có bảo hiểm y tế; 28% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống. Đặc biệt, có đến 90% người cao cần sự trợ giúp trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như dùng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.
Thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Ảnh: Dương Ngọc. |
Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế. Hệ thống khoa phòng, trung tâm lão khoa của các bệnh viện, hệ thống nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế… còn rất mỏng. Báo động là tình trạng thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi…
Giáo sư Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Điều dưỡng của bệnh viện phải kiêm cả công việc của người chăm sóc. Đây là một áp lực quá lớn, họ không thể hoàn thành tốt vai trò này. Người nhà bệnh nhân thường phải thuê người chăm sóc ngoài, vừa tốn kém, vừa không đảm bảo vì họ không có chuyên môn, không được đào tạo. Nhu cầu có một đội ngũ làm công việc chăm sóc người cao tuổi là vô cùng lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào sau 2030. Theo nhận định của Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống y tế cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển mô hình y học gia đình để triển khai chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi; khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong đội ngũ nhân lực phục vụ chăm sóc người cao tuổi thì nhân viên chăm sóc có vai trò và vị trị rất quan trọng vì đây là những người gắn bó trực tiếp với người cao tuổi, một đối tượng chăm sóc đặc biệt. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi thì nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của người cao tuổi một cách phù hợp. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, có nhu cầu rất lớn trong cả bệnh viện và cộng đồng, rất cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.