Thừa cân và béo phì những năm qua gây áp lực cho sức khỏe toàn cầu và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Theo nghiên cứu công bố mới đây của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế thuộc Đai học Washington (Mỹ), trên thế giới cứ 10 người thì có một bị béo phì, và 2,2 tỷ người đang trong tình trạng thừa cân. Nghiên cứu được tiến hành ở 195 quốc gia trong vòng 35 năm.
Tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì tại Việt Nam và Bangladesh được ghi nhận là thấp nhất thế giới, với khoảng 1% dân số. Tại Việt Nam có 8,1 triệu người trưởng thành gặp vấn đề sức khỏe này, trong đó nam giới chiếm 46%. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có số lượng người béo phì nhiều nhất thế giới. Thống kê năm 2015, tại Mỹ có 79,4 triệu người béo phì và 57,3 triệu người Trung Quốc mắc bệnh này.
Báo cáo chỉ ra rằng vấn đề thừa cân và béo phì là một trong những vấn đề đáng lo ngại ở các quốc gia thu nhập trung bình như Trung Quốc và Indonesia. Tỷ lệ trẻ em béo phì thấp hơn ở người lớn nhưng có sự gia tăng trong những năm gần đây.
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì ở người lớn khá thấp nhưng tỷ lệ trẻ em độ tuổi 2-19 bị béo phì gần 7%, cao hơn Campuchia (gần 4%) và Philippines (6,7%).
Theo tiến sĩ Ashkan Afshin, tác giả chính của nghiên cứu, thừa cân và béo phì là một trong những vấn đề nổi cộm nhất đối với sức khỏe toàn cầu trong thời đại mới, ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số thế giới. Trong những thập kỷ qua đã có nhiều biện pháp can thiệp nhằm kiểm soát cân nặng dân số, tuy nhiên tác động của nó trong dài hạn chưa thật sự rõ ràng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 1,9 tỷ người thừa cân vào năm 2014, trong đó hơn 600 triệu người béo phì.
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường và ung thư.