Home » Khỏe và đẹp » Ung thư vòm họng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư vòm họng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng dịch tễ bệnh. Hai khoảng tuổi thường bị là 30-40 và 50-60, tuy nhiên trẻ em cũng có thể mắc bệnh. Nam giới bệnh nhiều gấp 3 lần nữ. Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Ở giai đoạn 1, 2 có thể chữa khỏi bệnh đến 90% trong 5 năm. 

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng

Theo bác sĩ Hoàng, các dấu hiệu bệnh như ù tai, nhức đầu, nghẹt mũi, thậm chí chảy máu mũi thường thấy ở những bệnh lành tính thuộc chuyên khoa Tai Mũi Họng. Nếu sau một vài tuần điều trị không bớt, các dấu hiệu trên cứ tái diễn nhiều lần thì cần phải nội soi vòm họng hoặc khám chuyên khoa ung bướu để loại bỏ nghi ngờ có bị ung thư vòm họng hay không.

“Dấu hiệu rất quan trọng nữa là sự xuất hiện khối hạch vùng cổ, dưới mang tai hay góc hàm, kích thước một vài cm, không đau”, bác sĩ Hoàng chia sẻ. Có dấu hiệu này cần đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Ung bướu sớm để bác sĩ có thể phát hiện bệnh kịp thời. 

Nội soi vòm họng có thể phát hiện khối u. Nếu có tổn thương nghi ngờ sẽ được sinh thiết chẩn đoán. Nội soi còn giúp theo dõi sau điều trị ung thư vòm họng, phát hiện sớm khối u tái phát. Cần kết hợp khám lâm sàng, chụp cắt lớp CT hoặc MRI để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Kết quả nội soi mà có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân nên tái khám định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng một lần.

nam-gioi-bi-ung-thu-vom-hong-nhieu-gap-3-lan-nu-gioi

Ảnh: impactjournals.

Yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng

Yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng thường được nhắc tới là nhiễm virus Epstein Barr (EBV), loại phổ biến của virus herpes. Ăn nhiều thực phẩm chứa chất Nitrosamine như cá muối, thịt xông khói…, tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm môi trường, viêm mũi mạn tính, vệ sinh mũi họng kém… cũng là những yếu tố nguy cơ.

Yếu tố di truyền cho đến nay còn đang được nghiên cứu để khẳng định rõ. Các bác sĩ đã ghi nhận hiện tượng trong một gia đình hay dòng họ có nhiều người cùng bị ung thư vòm họng ở những thời điểm khác nhau. Chủng tộc da vàng, đặc biệt vùng miền Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, các nước Đông Nam Á có tỷ lệ ung thư vòm họng rất cao. 

Một số nghiên cứu cho thấy ung thư vòm họng liên quan đến gen bị đột biến HLA, các gen này có thể di truyền lại cho đời con. Do đó nhiều khuyến cáo cho rằng trong gia đình có một người bị ung thư vòm họng thì các thành viên khác cần có chế độ tầm soát đặc biệt hoặc chủng ngừa virus EBV để phòng.

Điều trị ung thư vòm họng

Bác sĩ Hoàng chia sẻ, xạ trị ngoài là phương pháp điều trị chính và có hiệu quả tốt nhất đối với ung thư vòm họng. Hiện nay rất nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại giúp các bác sĩ có thể chiếu xạ chính xác vào khối u mà ít gây ảnh hưởng đến mô lành xung quanh. Xạ trị trong là dùng nguồn phóng xạ áp sát trực tiếp vào khoang vòm họng. Phương pháp này giảm đáng kể biến chứng trên các mô lành như tuỷ sống, tuyến nước bọt mang tai và xương hàm… Thông thường xạ trị trong được sử dụng kết hợp với xạ trị ngoài để điều trị khối u còn sót lại hoặc khối u tái phát.

Hóa trị có vai trò hỗ trợ, tăng nhạy xạ và tăng hiệu quả của xạ trị. Nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp hoá xạ trị đồng thời. Đây là phương pháp được chứng minh có hiệu quả tốt nhất đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến xa.

Những khuyến cáo khi xạ trị ung thư vòm họng

Không nên đắp lá, phán, cắt lể hay áp dụng cách điều trị thiếu khoa học trên vùng hạch di căn. Việc này kích thích da trên hạch, gây lở loét, bội nhiễm và vô tình giúp tế bào ung thư phát tán, di căn xa nhanh hơn. Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh cách làm này có hiệu quả trong điều trị hạch di căn.

Khám và điều trị răng miệng theo chuyên khoa răng hàm mặt trước xạ trị 10-14 ngày.

Tháo răng hay hàm giả ra trong lúc xạ trị, ngậm máng flour mỗi ngày 3-5 phút.

Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng các loại dung dịch theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không nên ăn thức ăn quá cứng hoặc quá nhiều gia vị. Không nên uống nước quá nóng hoặc nước đá lạnh. Không uống rượu bia và hút thuốc lá.

Sau xạ trị không tự ý nhổ răng, khám định kỳ răng hàm mặt mỗi 3-6 tháng.