Chị Nguyễn Thị Bích (Hà Nội) có thói quen đun nước sôi rồi cho vào bình dùng dần. Gần đây, chị lo lắng khi nghe thông tin nước đun sôi để nhiều ngày nguy cơ tái nhiễm khuẩn, thậm chí còn độc hại hơn lúc chưa đun. Cùng với đó, chất khử trùng Clo kết hợp với những hợp chất hữu cơ trong nước sinh các chất gây ung thư.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết không có cơ sở cho thấy Clo có trong nước phản ứng với chất hữu cơ hình thành chất gây ung thư. Các nhà y học trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh diệt khuẩn bằng Clo là phương pháp đơn giản nhất mà an toàn. Ngoài ra, khi nước được đun sôi, amoniac là chất có khả năng gây ung thư vốn tồn tại trong nước tự nhiên được thoát ra, vì thế không gây hại cho cơ thể. Kể cả với nước tự nhiên, thành phần amoniac rất thấp nên không thể tạo ra những hợp chất gây ung thư cho người uống.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ
Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chính cách sử dụng nước không đúng mới có thể gây ra ung thư. Khi thực phẩm nói chung và nước nói riêng được đựng trong các chai nhựa chứa hợp chất mononer, có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, nước sôi để nguội lâu ngày làm cho oxy trong nước mất đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống. Thời gian lưu cữu càng lâu càng là điều kiện tốt để vi khuẩn trong môi trường sống xâm nhập và phát triển trong nước đun sôi. Hơn nữa, khi nước sôi để nguội được đổ vào nước cũ còn lại trong bình, càng làm vi khuẩn phát triển sinh ra nấm mốc, nếu uống vào dễ gây bệnh ung thư.
Bác sĩ Côn khuyên:
– Nên uống hết nước đun sôi trong ngày.
– Nước đun sôi để nguội cần phải được đảm bảo trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa nước đạt tiêu chuẩn y tế, tránh sử dụng các loại nhựa tái sinh để chứa nước.
– Nước đóng chai khi đã chạm vào miệng người dùng thì nên bỏ đi hoặc vệ sinh chai, sau đó cho nước mới vào để uống tiếp.
Thúy Quỳnh