Home » Khỏe và đẹp » Vị anh hùng Thế chiến thứ hai bị thiến hóa học

Vị anh hùng Thế chiến thứ hai bị thiến hóa học

Tháng 8/2014, thế giới chứng kiến bước ngoặt lịch sử khi Nữ hoàng Elizabeth II tuyên bố ân xá cho nhà khoa học Alan Turing. Bị kết án do quan hệ đồng tính, người anh hùng chiến tranh phải thiến hóa học và nhiều năm sau ngày tự tử mới được minh oan.

Theo Daily Beast, Alan Turing sinh ngày 23/6/1912 là nhà toán học, logic học và mật mã học. Sáng chế ra nhiều kỹ thuật phá mật mã Đức, ông đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của phe đồng minh và được ca ngợi như anh hùng. Ngoài mật mã, Turing còn nổi tiếng với lĩnh vực khoa học máy tính.

[Caption]

Chân dung Alan Turing. Ảnh: Express.

Tháng 1/1952, nhà khoa học 39 tuổi bắt đầu mối quan hệ đồng tính với Arnold Murray, một thanh niên thất nghiệp. Ngày 23/1/1952, Turing bị trộm và thủ phạm không ai khác chính là nhân tình của ông. 

Thời bấy giờ, xã hội Anh nói riêng và thế giới nói chung còn giữ thái độ kỳ thị với đồng tính. Họ tin rằng chỉ có dị tính mới là xu hướng tình dục tự nhiên. Trên tờ Sunday Pictorial, bài báo mang tựa đề Những gã đàn ông ma quỷ dùng cụm từ “những kẻ quái đản hiếm thấy” để gọi người đồng tính và cho rằng tốt nhất nên gửi họ đến các phòng khám rồi giữ ở đó cả đời cho tới khi được “chữa khỏi”. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ bị phát giác của Turing và Murray khiến cả hai phải ra tòa.

Không hề phản kháng, Turing thừa nhận mọi cáo buộc. Để tránh ngồi tù, ông chọn “điều trị” bằng hormone hay chính là thiến hóa học tại Bệnh viện Hoàng gia Manchester, nơi các bác sĩ tin rằng hormone nữ sẽ làm giảm ham muốn tình dục giúp người đồng tính trở thành dị tính.

Trong một năm, Turing được tiêm stilboestrol, một dạng estrogen tổng hợp vào cơ thể khiến ông trở nên bất lực và mắc chứng gynaecomastia (nữ hóa tuyến vú). Tuy nhiên, các bác sĩ không ngờ estrogen có thể hoạt động như một chất gây trầm cảm. Sau thời gian can thiệp, bệnh nhân không những bị thiến hóa học mà còn rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đau khổ.

Quá trình điều trị của Turing kết thúc vào tháng 4/1953. Dù ngừng dùng hormone, tâm lý người bệnh cũng không thể phục hồi như cũ. Ngày 7/6/1954, nhà khoa học thiên tài qua đời tại nhà riêng. Báo cáo điều tra cho thấy ông đã tự tử bằng một trái táo tẩm xyanua.

Nhiều năm sau ngày Turing qua đời, chính phủ Anh bắt đầu những nỗ lực giải oan cho ông. Năm 2009, Thủ tướng Gordon Brown chính thức xin lỗi về “cách hành xử khủng khiếp” đã gián tiếp gây ra cái chết của Turing. Ngày 24/12/2013, Nữ hoàng Elizabeth II ký sắc lệnh ân xá và đến tháng 8/2014 chính thức tuyên bố vị anh hùng Thế chiến thứ hai hoàn toàn vô tội. 

Ngày nay, thiến hóa học vẫn được tiến hành nhưng chỉ dành cho tội phạm tình dục hoặc những cá nhân bị ám ảnh bởi hoang tưởng tình dục. Đối với nam giới, thiến hóa học có thể làm tăng mỡ cùng nguy cơ bệnh tim mạch, loãng xương hoặc chứng gynecomastia như Turing. Đối với nữ giới, phương pháp này thu nhỏ kích thước tuyến vú, thay đổi màu môi, co xương đột ngột, giảm lông và cơ bắp. 

Minh Nguyên