Home » Khỏe và đẹp » Vì sao ngày càng nhiều người Nhật thọ trên 100 tuổi?

Vì sao ngày càng nhiều người Nhật thọ trên 100 tuổi?

Người Nhật làm chủ cuộc sống vui khỏe lúc về già bằng cách ăn nhiều rau và cá, chăm chỉ làm việc, thường xuyên tụ họp bạn bè, chủ động tự phục vụ bản thân từ những chuyện nhỏ nhặt nhất…

Các buổi tập tạ và thể dục trên đường phố thường xuyên diễn ra ở Nhật. Ảnh: Reuters

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thống kê số lượng người cao tuổi từ năm 1963, mỗi người sống trên 100 tuổi sẽ được tặng cốc đúc bằng bạc nguyên chất và thư chúc mừng của Thủ tướng. Thời điểm đó, đất nước này có 153 người thuộc nhóm 100 tuổi.

Số cốc bạc tăng thêm 29.000 chiếc vào năm 2014. Đến nay, Nhật Bản đã có 65.000 cụ sống thọ trên 100 tuổi và 2,06 triệu người trên 90. Dự kiến, sẽ có khoảng 38.000 người nữa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 vào năm 2018. Suốt nhiều năm liền, tuổi thọ trung bình ở xứ Phù Tang luôn đứng nhất nhì thế giới.

Người Nhật không chỉ sống thọ, mà còn khỏe mạnh. Tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính ở mức thấp. Theo xếp hạng của World Health Ranking năm 2014, tỷ lệ chết do đột quỵ chỉ đứng thứ 152, do ung thư vú xếp hạng 134, do bệnh gan xếp 153, phổi xếp thứ 166… trên tổng số 172 quốc gia, gần như chót bảng tử thần. Nhiều bí quyết sống vui khỏe của người dân xứ hoa anh đào đã được các nước trên thế giới học hỏi.

Người Nhật tiêu thụ gần 10% sản phẩm cá của thế giới, ăn rau củ gấp 5 lần người Mỹ. Ảnh: Well Doing

Ăn uống ngon miệng và lành mạnh kiểu Nhật

Bữa ăn thường ngày được người Nhật nâng tầm lên thành văn hóa ẩm thực bao đời nay. Họ thích ăn các thực phẩm có đặc tính kháng viêm và ngăn ngừa lão hóa như cá, rong biển, rau củ, trái cây, đậu phụ… 

Họ hầu như chỉ ăn các loại cá biển giàu acid béo omega (hồi, ngừ, thu…) tốt cho tim mạch. Nhật Bản tiêu thụ gần 10% sản phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số chỉ chiếm 2%. Người dân nước này cũng ăn rau cải, súp lơ xanh, cải bắp, cải xoăn, đậu nành… gấp 5 lần người Mỹ.

Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản còn vạch ra bản hướng dẫn chế độ ăn cho cả nước noi theo. Trung tâm Y tế Toàn cầu ở Tokyo đã theo dõi 80.000 dân số 45-75 tuổi tuân thủ chế độ ăn này suốt 15 năm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong giảm hơn 15%.

Cách sửa soạn bữa ăn cũng là yếu tố góp phần giúp cải thiện sức khỏe. Thay vì đặt trên đĩa lớn, họ thường bày biện đủ món vào bát nhỏ. Công thức điển hình gồm một bát cơm, súp, cá hoặc thịt, 2-3 đĩa rau củ quả mỗi bữa ăn.

Người Nhật có hai nguyên tắc vàng trong ăn uống. Đầu tiên là mùa nào thức nấy, để đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp những thực phẩm tươi ngon nhất. Thứ hai là không ăn quá no, cho dù ngon miệng cũng chỉ nạp 80% khả năng nhằm giảm tải cho hệ tiêu hóa.

Những thợ sửa quần áo ngoài lục tuần tại trung tâm việc làm người cao tuổi ở Tokyo. Ảnh: AFP

Làm việc chăm chỉ và nghỉ hưu muộn

Tuổi nghỉ hưu của Nhật Bản, 65 tuổi cho cả nam lẫn nữ, vốn đã cao so với các quốc gia khác. Song, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2016, khoảng 23% người Nhật trên 65 tuổi vẫn còn đi làm. Đây là mức cao nhất trong nhóm G7, trên cả Mỹ là 19%.

Ở nhiều nước, nữ giới về hưu sau tuổi 55. Tuy nhiên, có đến 63,6% phụ nữ Nhật Bản 55-64 tuổi đang làm việc tính đến tháng 5/2017. Yakult Honsha – một công ty sản xuất sữa chua đang có 5.000 nhân viên bán hàng trên 60 tuổi, chủ yếu là phụ nữ, bán đồ uống bằng cách đến từng nhà và văn phòng chào hàng.

Đàn ông Nhật Bản rèn luyện thân thể, cầu nguyện khi tắm nước đá lạnh tại nhà thờ Teppozu Inari ở Tokyo. Ảnh: Toru Hanai / Reuters

Để sống lâu, Tiến sĩ Shigeaki Hinohara – người xây dựng nền móng cho nền y học Nhật Bản cũng khuyên mọi người làm việc chăm chỉ, không nghỉ hưu hoặc nếu có, sau tuổi 65. Mỗi ngày, ông có thể dành 18 giờ điều trị cho bệnh nhân. Tiến sĩ Hinohara là tấm gương đại diện cho tinh thần cống hiến của người cao tuổi Nhật, làm việc cho tới vài tháng trước khi qua đời ở tuổi 105.

Người về hưu cũng được khuyến khích nghiên cứu lĩnh vực chuyên môn, tham gia hoạt động thể chất, du lịch, sinh hoạt câu lạc bộ, tập dưỡng sinh, làm tình nguyện… Thói quen tập thể dục đều đặn, tham gia các buổi đi bộ tập thể từ lâu đã ăn vào nếp sống của người Nhật. Cuối tuần, họ thường đi leo núi, dã ngoại cùng gia đình, đến các trung tâm xã hội hoặc ra ngoài gặp gỡ bạn bè.

Một cặp vợ chồng lớn tuổi đến thăm chùa Shinto Meiji Shrine để cầu nguyện vào ngày đầu tiên của năm mới. Ảnh: Thomas Peter / Reuters

Biết cách sống hưởng thụ tuổi già 

Nhật Bản không có nhiều người siêu giàu, chỉ có 6 người Nhật lọt vào danh sách 500 cá nhân giàu nhất thế giới của Bloomberg. Song với dân số 127 triệu vào năm 2015, Nhật Bản có khoảng 2,7 triệu người đang sở hữu khối tài sản trị giá 1 triệu USD. Con số này nhiều hơn cả Đức và Trung Quốc cộng lại, theo báo cáo của Capgemini. Nhiều triệu phú cộng với tình trạng lão hóa dân số nhanh, đang tạo ra tầng lớp già và giàu ở xứ sở mặt trời mọc, sở hữu du thuyền và biết sống hưởng thụ. 

Ở Nhật, già không có nghĩa là ngừng vui chơi và mua sắm. Theo FreshTrax, năm 2012, có 62,7% người cao tuổi xứ Phù Tang sử dụng Internet để tìm hiểu các chuyến du lịch, mua tour online. Với sức khỏe dẻo dai và tài chính rủng rỉnh, nhiều bậc cao niên thường xuyên du ngoạn trong nước hay xuất ngoại. 

Người già ở Yokohama tham gia học trang điểm. Ảnh: Kyodo

Nhật Bản còn xây dựng những thiên đường mua sắm và giải trí dành riêng cho người cao tuổi. Tokyo nổi tiếng với khu trung tâm mua sắm Aeon Kasai, mở cửa từ 7h, sớm hơn 3 tiếng so với những trung tâm khác của Aeon, vì người cao tuổi hay dậy sớm. Xe đẩy cũng được thiết kế nhẹ hơn 30% so với các siêu thị bình thường.

Trung tâm này bày bán sản phẩm giải trí phù hợp, đồ ăn chứa hàm lượng muối và chất béo thấp cho người cao tuổi. Ngoài ra, còn thiết kế không gian đi bộ, leo núi, lớp thể dục miễn phí, phòng đánh cờ, phục hồi chức năng… Nhiều người tới đây để gặp gỡ, giao lưu, chơi cờ xong có thể đi mua sắm. Những tiện nghi này khiến họ dành trung bình 3 giờ mua sắm ở đây, nhiều hơn 2 tiếng so với phân khúc trẻ.

Nhật Bản có hàng trăm loại robot có khả năng đọc và phản ứng với cảm xúc; nâng đỡ cơ thể; chăm sóc con người. Ảnh: RBR

Tận dụng sản phẩm và công nghệ tiên tiến

Ngay cả khi không quá giàu, tiện nghi cũng xuất hiện mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người Nhật Bản. Theo khảo sát của chính phủ nước này, 70% gia đình lắp đặt bồn cầu công nghệ cao với đủ mọi chức năng như tự rửa và sấy khô, xả nước cảm ứng, thậm chí còn phát ra nhạc để át đi tiếng động “tế nhị”. 

Nhật Bản thuộc top những quốc gia có chất lượng sống của người cao tuổi tốt nhất thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá dựa trên số năm người cao tuổi có thể thực hiện các nhu cầu cơ bản hàng ngày (ăn, mặc, tự chủ đi vệ sinh).

Khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này cũng cho thấy, tỷ lệ những người trên 65 tuổi chăm sóc cho nhau đạt mức cao nhất mọi thời đại, đến 54,7% vào năm 2016. Họ cảm thấy ở riêng hoặc đến viện dưỡng lão tốt hơn làm gánh nặng cho con cái.

Có hàng nghìn sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phát triển như robot trông nom, bác sĩ gia đình, thiết bị phục hồi chức năng… Trong đó, thị trường tã giấy người lớn chiếm tăng trưởng đến 10% mỗi năm. Theo Tokyo Times, nhu cầu tã giấy cho người già quá lớn, sẽ vượt qua tã em bé vào năm 2020.

Các buổi trình diễn thời trang tã giấy người lớn, ra mắt giới thiệu sản phẩm mới có tính năng thấm hút tốt, thiết kế mỏng nhẹ, mùi hương thảo dược…thường xuyên được tổ chức. Ngành công nghiệp tã liên tục nghiên cứu và cho ra đời các phiên bản tã giấy cải tiến khả năng thấm hút, phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi. Chiếc tã chỉ mỏng 1,8 mm của Tập đoàn Unicharm là một trong những thành tựu đáng chú ý của ngành này trong những năm 2000.

Hướng dẫn sử dụng tã dán, tã quần, miếng lót và tấm đệm lót mô hình chăm sóc toàn diện của nhãn hàng Caryn (Tập đoàn Diana Unicharm, Nhật Bản) tại Việt Nam.

Lựa chọn các phương pháp chăm sóc bài tiết phù hợp giúp người lớn tuổi tiếp tục động lực vui sống.

Người có thể đi lại được khuyến khích sử dụng tã quần, dễ mặc và vận động. Người hạn chế khả năng vận động (nằm liệt giường hoặc ngồi xe lăn) thường sử dụng tã dán có thiết kế thấm hút nhanh, thuận tiện cho người chăm sóc thay mới khi đang nằm.

Ngoài ra, họ còn dùng miếng lót bổ sung để tiết kiệm chi phí nếu phải sử dụng số lượng lớn tã dán. Đối với bệnh nhân nằm viện, y tá thường dùng thêm tấm đệm lót là sản phẩm bổ trợ ngăn chất thải tràn ra giường chiếu, giúp việc chăm sóc sạch sẽ hơn.

 An San