Làm việc với đại diện công ty này ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã thống nhất một số biện pháp nhăm tăng cường tiếp cận thuốc điều trị viêm gan C (bao gồm cả thuốc biệt dược và generic). Công ty này là chủ sở hữu bằng sáng chế một số thuốc mới điều trị viêm gan C và là một trong các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới chuyên cung cấp thuốc điều trị viêm gan C.
Theo đó, công ty sẽ sản xuất và cung cấp đủ thuốc biệt dược điều trị viêm gan C (thuốc biệt dược) cho Việt Nam với giá thấp nhất, chỉ bằng 1% giá thuốc phát minh đang bán cho thị trường Mỹ. Công ty cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc điều trị viêm gan C để có giá thuốc thấp hơn giá nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu tương đương sinh học đối với thuốc generic sản xuất tại Việt Nam so với thuốc sản xuất tại Mỹ.
Nhà sản xuất này cũng sẽ cung cấp cho Bộ Y tế danh sách các công ty dược nước ngoài được cho phép sản xuất nguyên liệu hoặc thành phẩm thuốc điều trị viêm gan C của công ty theo hình thức giấy phép tự nguyện. Căn cứ vào danh sách, Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép nhập khẩu thuốc từ các cơ sở sản xuất này để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thuốc generic nhập khẩu.
Bộ Y tế sẽ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc theo hình thức cấp phép nhanh cho các thuốc điều trị viêm gan C do công ty phát minh, đăng ký và sản xuất. Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc đưa thuốc điều trị viêm gan C của công ty vào danh sách thuốc mua theo chương trình. Trong trường hợp này, công ty có thể xem xét để cung cấp thuốc cho Việt Nam với giá ưu đãi hơn.
Ước tính tại Việt Nam, khoảng 5% dân số nhiễm viêm gan C, 30% người viêm gan C mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Đây là loại virus được giới chuyên môn xem là “sát thủ thầm lặng”. Viêm gan C chưa có văcxin phòng bệnh, phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp chung như quan hệ tình dục an toàn, sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần… Bệnh lây qua đường máu, mẹ truyền sang con nếu mẹ bị mắc bệnh.
Nam Phương