Tuy nguy hiểm với phụ nữ mang thai và gây chứng đầu nhỏ ở thai nhi, virus Zika được cho là có khả năng tiêu diệt tế bào glioblastoma, dạng ung thư não nguy hiểm và khó điều trị.
Tế bào ung thư não glioblastoma. Ảnh: Sherbrooke connectivity imaging lab/ Science photo library. |
Trên tờ Journal of Experimental Medicine, nhóm nhà khoa học từ Đại học California (Mỹ) cho biết đã thử nghiệm hai chủng virus Zika trên tế bào gốc glioblastoma. Đây là loại tế bào sản sinh ra tế bào ung thư mới và hay kháng các phương pháp điều trị thông thường. Các nhà khoa học phát hiện virus Zika giết chết tế bào gốc trong khi để nguyên tế bào khác. Đối với chuột ung thư não, virus Zika làm khối u co lại sau hai tuần, đồng thời giúp tăng tuổi thọ so với chuột tiêm giả dược.
Từ kết quả trên, đội ngũ tác giả kỳ vọng virus Zika có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh nhân glioblastoma. Trên thực tế, hóa trị và xạ trị quét đi phần lớn tế bào ung thư nhưng lại không thể động đến tế bào gốc glioblastoma, khiến nguy cơ tái phát rất cao. Nếu kết hợp virus Zika nhằm tiêu diệt tế bào gốc glioblastoma, bệnh nhân nhiều khả năng sẽ hồi phục thay vì đối mặt với rủi ro tử vong trong một năm như hiện nay.
Sắp tới nhóm nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu biến đổi gen virus Zika sao cho an toàn hơn để tiến đến thử nghiệm trên người. Dù ý tưởng tiêm virus gây bệnh não vào não nghe có vẻ điên rồ, họ vẫn tin rằng phương pháp này an toàn với người lớn bởi bộ não trưởng thành không còn bị tế bào Zika tấn công.